Thứ 6, 29/03/2024 21:25:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 22/11/2018 GMT+7

Hơn cả 676,725 tỷ đồng

Thứ 5, 22/11/2018 | 08:32:00 134 lượt xem

BP - Bình Phước là một trong 17 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam được hưởng chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12-12-2013, Bộ Công Thương có Văn bản số 11453/BCT-TCNL về việc thỏa thuận đầu tư dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 4-6-2014. Theo đó, toàn tỉnh có 588 thôn, ấp thuộc 85 xã được đầu tư với quy mô 609,98km đường dây trung thế, hơn 1.192km đường dây hạ thế. Dự án có tổng vốn đầu tư 676,725 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và vốn vay ODA 85%, còn lại vốn đối ứng từ địa phương. Sau 5 năm, đến nay vốn đầu tư cho dự án mới được 82,8 tỷ đồng, tương đương khoảng 12% mức đầu tư đã phê duyệt.

Tiến độ dự án chậm như vậy, tất có nguyên nhân. Và nguyên nhân từ phía nào, chắc chắn cũng có “nguyên nhân của nguyên nhân”. Cơ quan, đơn vị, bộ phận nào cũng có lý do của mình. Vấn đề ở chỗ, rốt cuộc, chịu thiệt thòi ở đây là khoảng 16 ngàn hộ dân trong vùng khó khăn được hưởng dự án - xấp xỉ bằng 1/10 toàn tỉnh Bình Phước. Nếu làm một bài toán về kinh tế, thiệt thòi của người dân trong 5 năm qua so với có điện và không có điện, có lẽ gấp nhiều lần con số tổng vốn đầu tư của dự án. Bởi lẽ, ai cũng biết điện ngày càng có vai trò quan trọng thế nào đối với phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, đặc biệt là với vùng khó khăn. Nếu trồng cà phê, trồng tiêu, trồng cây ăn trái hay trồng bất kỳ loại cây nào cần nước tưới, không có điện, chắc chắn sản lượng, năng suất, hiệu suất sẽ thấp hơn rất nhiều so với khu vực khác. Điều đó đồng nghĩa khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ thua thiệt, phải phó mặc hoàn toàn cho “ông trời”, thậm chí sẽ thua lỗ, phải bỏ hoang đất đai...

Đó là những con số thống kê được. Còn có những thứ không thể thống kê được như thua thiệt về hưởng thụ văn hóa, giáo dục, không tiếp cận được thông tin khoa học - công nghệ thì vô cùng lớn. Ví như người dân sóc Xà Nạp, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản bao năm qua trông ngóng điện, để rồi nhà văn hóa, trường học phải bỏ hoang, hư hỏng. 48 hộ dân và con em trong sóc hơn 30 năm nay chỉ có thể sản xuất, sinh hoạt, học hành dưới ánh mặt trời. Nếu có điện, người dân Xà Nạp đã không phải sống trong tối tăm theo đúng nghĩa đen như thế.

Có hàng chục, thậm chí có hàng trăm khu dân cư tương tự ở Bình Phước đã và vẫn đang mỏi mòn trông chờ dự án được Thủ tướng và UBND tỉnh đã phê duyệt từ 5 năm trước. Trong dự án này, còn có tiểu dự án từ nguồn vốn ODA do EU tài trợ được phê duyệt với vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Nếu tiến độ dự án chậm, vốn đầu tư nằm bất động như thế, rồi tổ chức nào, quốc gia nào tiếp tục hỗ trợ chúng ta? Những con số đầu tư phản ánh chất lượng phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư chỉ có trên giấy, tất nhiên con số tăng trưởng sẽ không sát thực tế. Đây là một trong những lý do khiến chỉ số đánh giá tăng trưởng ở nước ta của các tổ chức quốc tế luôn thấp hơn nhiều so với con số chúng ta tự thống kê...

Giám đốc Ban quản lý dự án của tỉnh Dương Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong quá trình thi công lưới điện nông thôn, đông đảo người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng để đường điện đi qua. Người dân mong mỏi có điện, chắc chắn sẽ hành động như thế. Vấn đề là, các cơ quan chức năng, cơ quan thừa hành làm việc theo quyết định của Thủ tướng đã hành động như thế nào mà thôi!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu