Thứ 7, 20/04/2024 11:32:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:05, 24/04/2014 GMT+7

Hơn cả vật chất

Thứ 5, 24/04/2014 | 08:05:00 130 lượt xem

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, ngoài việc khen thưởng theo định kỳ hàng năm, dự thảo này còn quy định hình thức khen thưởng đột xuất cho người tố cáo tham nhũng với 3 hình thức: Tặng bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước. Mức khen thưởng cũng được nâng lên rất cao. Người được Tổng Thanh tra Chính phủ tặng bằng khen sẽ được nhận số tiền bằng 30 lần, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 60 lần và Huân chương Dũng cảm là 90 lần mức lương tối thiểu. Đặc biệt, người nhận Huân chương Dũng cảm do tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20% phần thu về từ vụ án do mình tố cáo nhưng không quá 10 tỷ đồng/vụ.

Trong khi theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15-4-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thì mức thưởng tiền kèm theo Huân chương Dũng cảm là 4,5 lần, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1,5 lần và bằng khen của bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương là 1,0 lần mức lương tối thiểu. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội). Chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng ra tố cáo tiêu cực đã được Sở Y tế Hà Nội tặng giấy khen kèm theo tiền thưởng 350 ngàn đồng (bằng 0,3 lần mức lương tối thiểu). Nhiều người cho rằng thưởng như vậy là không xứng đáng nhưng vị phó giám đốc của sở này đã “viện dẫn” mức khen thưởng theo Nghị định 42 của Chính phủ thì tất cả đành... chịu thua.

Nâng cao mức khen thưởng sẽ tạo thêm động lực để nhiều người dũng cảm đứng ra tố cáo tham nhũng. Nhưng với thủ tục đề nghị khen thưởng như hiện nay - cả khen thưởng định kỳ và khen thưởng đột xuất thì liệu có mấy người vinh dự được nhận những phần thưởng đó!? Bởi muốn được tặng bằng khen, huân chương thì phải có tờ trình của cấp đề nghị khen thưởng, báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân và ý kiến chấp thuận của cấp trên trực tiếp... Vì vậy chẳng ai dại gì ký tờ trình, xác nhận báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng... cho người đứng ra tố cáo mình. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng đe dọa, trù dập, cô lập, sa thải, hành hung... người tố cáo tham nhũng vẫn xảy ra tại không ít cơ quan, địa phương, đơn  vị khiến nhiều người “chùn tay”.

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống trọng nghĩa, khinh tài, “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Nhiều người sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, thậm chí chấp nhận “nếm mật, nằm gai”, sẵn sàng đánh đổi cả việc làm, thu nhập, bất chấp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng để đấu tranh đến cùng với tham nhũng. Điều họ mong muốn nhất là việc làm của mình được xã hội ghi nhận, khuyến khích, bảo vệ. Đồng thời, những hành vi tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, đối tượng tham nhũng phải chịu sự trừng phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Điều đó quan trọng hơn cả vật chất.

Ngọc Nguyên

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu