Thứ 6, 19/04/2024 07:35:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:04, 22/02/2015 GMT+7

Hồn của đá

Chủ nhật, 22/02/2015 | 15:04:00 495 lượt xem

BP - Câu chuyện của cậu bé tên Lâm

Lại thêm một lần nữa tôi lỡ hẹn với Điểu Tơn vì tìm đến nhà anh ở thôn Bù Dốt không đúng giờ. 11 giờ, Điểu Tơn đã đi bảo vệ rừng theo chương trình hợp đồng nhận khoán giữa anh và Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Con anh, Điểu Lâm, năm nay học lớp 9, thay cha làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho chuyến du lịch của tôi về bãi đá voi.

Từ ngã ba thôn Bù Dốt đi theo hướng đông bắc trên đường đất đỏ chừng 1km rồi rẽ phải theo đường tuần tra của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tiếp tục rẽ phải chừng 200m gặp chiếc cầu treo do người dân bản địa xây lắp. Qua cầu treo chừng 200m là những tảng đá xen lẫn trong các vườn điều của đồng bào Xêtiêng đang canh tác.

Điểu Lâm kéo tôi lên một tảng đá rộng chừng 30m2 rồi giới thiệu đây là bãi đá voi. Tôi phóng tầm mắt để cố tìm những hình ảnh đẹp nhất của bãi đá. Thế nhưng chỉ thấy dăm ba tảng đá nhấp nhô trong rừng điều. Vượt hơn 120km đường đồi dốc để chứng kiến dăm ba tảng đá vô hồn trong vườn điều, tôi nhủ lòng chẳng có gì đẹp. Trong lúc ngồi nghỉ mệt trên tảng đá, tôi quay sang hỏi “hướng dẫn viên” của mình “Vì sao con tên Lâm?”. “Vì ba con là một chuyên gia sống bằng nghề rừng. Nơi con với chú đang ngồi trước đây cũng là rừng. Bây giờ cũng là rừng. Chỉ có khác trước là không phải rừng tự nhiên mà là rừng điều. Nguồn sống của cả nhà con chủ yếu dựa vào rừng. Cha bảo vệ rừng tự nhiên. Mẹ chăm sóc rừng điều. Con tên Lâm. Chú thấy có hay không?”. Quả thật, tôi không ngờ cậu học trò lớp 9 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại lém lỉnh đến thế. Tôi tiếp tục hỏi “Ngoài bãi đá này có còn bãi đá nào nữa không?”. “Chú đi theo con” - Điểu Lâm dõng dạc.

Bức tranh của họa sĩ thiên nhiên

Cứ tết đến, xuân về, cây điều lại bắt đầu đơm hoa kết trái để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Những rừng điều trên vùng cao thuộc thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập  (huyện Bù Gia Mập) cũng hối hả vào xuân với muôn sắc hoa rực rỡ. Xen lẫn trong muôn cánh hoa giữa đại ngàn là những cự thạch với nhiều hình khối kỳ bí khác nhau. Sự kết hợp tài tình giữa đá và hoa tạo nên bức tranh tuyệt mỹ có một không hai mà thiên nhiên đã ưu đãi tặng riêng cho Bù Dốt. 

Đứng trước tảng đá “bồn tắm”, tôi thấy mình nhỏ bé đến vô cùng. Điều khiến tôi hết sức ngỡ ngàng chính là bề mặt của khối đá này. Nó giống như lòng của một con suối đã cạn. Chưa có nhà khoa học nào giải thích được vì sao tảng đá to lớn nằm trên một ngọn đồi nhưng bề mặt của nó lại có những vết bào mòn giống như dòng chảy của nước hàng triệu triệu năm.

Vòng quanh theo lối mòn trong vườn điều chừng 5 phút, Điểu Lâm đưa tôi đến những tảng đá khổng lồ mà tôi chưa từng gặp trong đời. Không biết tạo hóa hay diện mạo của địa chất nơi đây đã tạc nên những hình tượng bằng đá trông thật kỳ thú. Đá chồng lên đá nhưng lại có những nét chấm phá của tự nhiên tạo nên nhiều màu sắc khác nhau trên cùng một tảng đá không khác gì bàn tay tài hoa của họa sĩ. Bên này là hình của một chú voi con đang ngủ yên trên lưng mẹ. Bên kia là voi cha khổng lồ đang lừng lững trong rừng bước ra. Dưới chân voi cha là rẫy lúa còn trơ lại gốc do người Xêtiêng đã thu hoạch trước đó. Không biết có phải do ngọn đồi này có nhiều đá nên người ta không khai phá để trồng điều, nhưng những cây rừng còn sót lại lưa thưa trên ngọn đồi trơ trọi chỉ toàn là đá vô tình tạo nên cảnh sắc giữa thú và rừng như một bức tranh.

Cậu bé Điểu Lâm trèo lên một tảng đá to đùng, mốc thếch đi đi lại lại như tìm kiếm một thứ gì đó vừa đánh mất. Tôi lò dò đến gần, chưa kịp hỏi thì Điểu Lâm đã cất giọng: “Lúc nhỏ đi chăn bò tụi con hay chơi lò cò trên tảng đá này. Bên kia còn một tảng đá lớn lắm. Chú có muốn đi không?”. Tôi cố đuổi theo Điểu Lâm bằng cách vượt qua những đám cỏ đầy gai mắc cỡ mà người trồng điều chưa kịp dọn vườn. “Đây là tảng đá mà tụi con hay trốn nắng trong những buổi trưa chăn bò” - Điểu Lâm chỉ. Tôi ngước nhìn tảng đá. Nó đông đặc, cao lớn hơn cả cây điều trên 10 năm tuổi nhiều lần. Những bụi tre rừng cũng không sánh nổi với chiều cao của khối cự thạch này.

Truyền thuyết bãi đá voi

Trên đường quay về, Điểu Lâm thỏ thẻ: “Mùa Hè, tụi con hay đạp xe vào đây để tắm. Có một chỗ giống bồn tắm nằm ở giữa suối Đắk Glung này. Tắm ở đó mát lắm!”. Hai chú cháu tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến dòng suối Đắk Glung.

Đá chồng lên đá trông giống như chú voi con đang nằm trên lưng mẹ

Băng qua một vườn điều chừng 2 ha rồi tiếp tục đi qua vườn tiêu 200 nọc kể từ bãi đá voi là dòng suối Đắk Glung. Giáp tết là thời điểm dòng suối không còn cuộn trào như thác đổ. Nước chỉ róc rách trong xanh len lỏi qua các ghềnh đá để trôi theo dòng. Những cây rừng in bóng bên dòng suối khiến cảnh vật thật thanh bình. Hơi nước từ suối bốc lên rồi lan tỏa qua đôi bờ tạo nên cảm giác mát rượi. Mọi mệt nhọc sau 2 giờ leo núi tan biến khi đứng trước con suối Đắk Glung thơ mộng. Điểu Lâm chỉ cho tôi “bồn tắm” được thiên nhiên tạc bằng đá. Đó là một tảng đá nguyên khối hình chữ nhật nằm giữa suối Đắk Glung. Không hiểu sao nó lại lõm sâu ở giữa tạo nên hình hộp mà 4 bên là 4 tảng đá đứng cạnh nhau.

Điểu Non - một nông dân người Xêtiêng trồng điều ở khu vực này kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có hai cha con ông tiên đi ngắm thác Đắk Glung. Khi đi qua đoạn suối này thì tiên con bị chết rồi hóa đá. Con voi của ông tiên buồn rầu đến chết rồi tiếp tục hóa đá. Từ đó, tộc người Xêtiêng nơi đây đặt tên cho bãi đá này là bãi đá voi.       

 Đông kiểm 

 

  • Từ khóa
50970

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu