Thứ 6, 29/03/2024 12:07:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:08, 28/08/2018 GMT+7

Hớn Quản: 66,13% cán bộ, giáo viên trên chuẩn

Thứ 3, 28/08/2018 | 10:08:00 253 lượt xem
BP - Ngày 27-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do bà Lê Thị Thanh Loan, Phó trưởng ban làm trưởng đoàn đã giám sát về tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác quy hoạch phát triển ngành GD-ĐT tại huyện Hớn Quản.

Toàn huyện Hớn Quản có 49 trường, trong đó 15 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 13 trường THCS, 2 trường THPT, với 21.201 học sinh, tăng 312 em so với năm 2011. Huyện có 14 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2015, huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đang duy trì. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao toàn diện; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 100%, THCS 98%; 43,57% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương.

Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Loan phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Hớn Quản

Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên (1.260 người) trong ngành GD-ĐT huyện đạt chuẩn, 66,13% trên chuẩn (tăng 10,56% so với năm 2016, vượt 2,13% chỉ tiêu Đề án “Đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”); 96,15% cán bộ quản lý trường học được bồi dưỡng kiến thức quản lý giáo dục. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng 25 phòng học tại các điểm lẻ cho bậc mầm non và tiểu học; xây dựng khu tập thể 5 phòng cho giáo viên xã An Phú, trị giá 500 triệu đồng...

Khó khăn của huyện là biên chế giáo viên chưa đáp ứng kịp quy mô trường lớp (thiếu 42 giáo viên mầm non so với nhu cầu); thiếu 16 cán bộ quản lý ở các trường; số lượng học sinh/lớp còn cao, khó đáp ứng phương pháp học tập đổi mới dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao; bậc học mầm non còn 81 chỉ tiêu tạm giao chưa được tuyển chính thức; giáo viên hợp đồng chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp và chưa đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách.

Đại diện UBND huyện và phòng, ban chuyên môn đã giải trình các kiến nghị mà thành viên đoàn giám sát quan tâm như: Nguyên nhân thiếu giáo viên; trình độ trung cấp lý luận chính trị đạt thấp; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; thực trạng, nhu cầu phát triển mầm non tư thục; vấn đề quy hoạch, xây dựng trường chất lượng cao; kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục; công tác phát triển quỹ đất; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS...

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Loan đề nghị huyện cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp thẩm quyền; thực hiện tốt công tác dự báo về phát triển giáo dục của địa phương để thực hiện quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Phòng GD-ĐT huyện khẩn trương rà soát, tham mưu UBND huyện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định; đánh giá thực trạng cán bộ, giáo viên, nhân viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng...

Trước đó, đoàn đã giám sát tại 2 trường Mầm non Tân Khai và Tiểu học Thanh Bình.

V.T

  • Từ khóa
88121

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu