Thứ 5, 18/04/2024 09:15:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:25, 31/01/2019 GMT+7

Hớn Quản chú trọng giảm nghèo vùng DTTS

Thứ 5, 31/01/2019 | 08:25:00 126 lượt xem
BP - Thời gian qua, huyện Hớn Quản đã tập trung các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và của xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Sự chung tay đó đã giúp đồng bào dần nâng cao cuộc sống, đặc biệt càng ấm lòng dịp tết đến, xuân về.

Trong những năm qua, các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Việc thực hiện các chính sách, dự án cơ bản đạt hiệu quả như hỗ trợ về y tế, tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo. Đặc biệt từ năm 2014-2018, Hớn Quản đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giúp 68 bồn chứa nước sinh hoạt, nhiều máy bơm nước, nông cụ, giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gạo và hiện vật trên 2,4 tỷ đồng theo các Quyết định số 755, 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Chương trình 135 giai đoạn III, chương trình trợ cước trợ giá cũng đã giải quyết vốn cho hàng ngàn trường hợp với tổng khoảng 15,719 tỷ đồng trong 5 năm qua. Các hình thức như: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, đường điện, đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, hỗ trợ 144 con bò sinh sản lai sind, trâu, dê sinh sản.

Phòng Dân tộc huyện Hớn Quản bàn giao nông cụ giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế

Ngoài thực hiện hiệu quả các chính sách đã nêu, công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS cũng được các xã của huyện chú trọng. Đặc biệt, xã Thanh An đã phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đoàn thể tạo việc làm cho bà con đồng bào. Bà Trần Thị Thiện Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An cho biết: “Xuất phát từ mong mỏi tạo việc làm cho phụ nữ, Hội Phụ nữ xã đã liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh tuyển dụng, tạo việc làm cho gần 100 phụ nữ đồng bào DTTS với mức lương ổn định. Nhờ đó đời sống nhiều phụ nữ nơi đây đã ổn định”.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về vốn, trao “cần câu”, tạo sinh kế cùng thực hiện tốt an sinh xã hội, chỉ tiêu giảm hộ nghèo là đồng bào DTTS hằng năm của Hớn Quản đều đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2014, toàn huyện còn 313 hộ DTTS trong tổng 732 hộ nghèo, chiếm 42,7%. Năm 2015, con số tương ứng 206/478 hộ, chiếm 43,1%. Năm 2016 (theo tiếp cận đa chiều): tương ứng là 656/1.163 hộ, chiếm 56,41%. Năm 2017 là chiếm 55,31% và năm 2018 là 314/627, chiếm 50,1%. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, hộ tái nghèo còn cao (năm 2016 phát sinh 100 hộ nghèo; năm 2017 phát sinh 130 hộ nghèo và 8 hộ tái nghèo). 

Địa bàn Hớn Quản rộng, người dân sản xuất theo lối truyền thống, thiếu kinh nghiệm, một số hộ nghèo thiếu hoặc không có đất sản xuất. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế nên một số người nghèo, người thu nhập thấp là đồng bào DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên. Do đó, để thay đổi nhận thức và trình độ của người dân, đặc biệt là người nghèo thì công tác giáo dục, tuyên truyền đòi hỏi kiên trì, bền bỉ, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành trong lồng ghép chương trình, dự án có hiệu quả.

Hớn Quản có một số kiến nghị như: Tỉnh cần có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ nông cụ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã, ấp, sóc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ) là một trong những cách làm hay, góp phần mang lại hiệu quả trong thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.

Thanh Mai

  • Từ khóa
61826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu