Thứ 6, 29/03/2024 12:46:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:42, 10/07/2019 GMT+7

Hồn thiêng Bom Bo

Thứ 4, 10/07/2019 | 14:42:00 2,207 lượt xem
BP - “Phụ nữ cả sóc ai cũng biết dệt nhưng để tạo thành áo, thành túi xách, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thì không. Cả cái nghề trồng bông, se sợi, dệt vải, chị em trên sóc đang còn lưu giữ cơ mà. Mình muốn lắm, muốn đến cháy bỏng cái nghề trồng bông, dệt vải của ông bà từ ngàn xưa trên sóc Bom Bo này sống lại, để tiếp nối mãi mãi ngàn sau” - chị Thị Xia, con gái của già làng Điểu Lên trên sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) trần tình.

SỢI CHỈ TRÊN SÓC

“12 tuổi mình đã tự dệt được chiếc khăn theo kiểu của mình rồi. Thấy vậy, mẹ mới chỉ cặn kẽ cách dệt hoa văn trên tấm thổ cẩm. Mình cũng chẳng biết phải lòng khung dệt từ lúc nào, chỉ biết từ năm 14 tuổi đến nay đã gần 40 năm chưa ngày nào rời bỏ nó. Mẹ mình ngày xưa cũng vậy. Bà không chỉ trồng bông mà còn lấy rễ cây rừng trộn chung với bông để kéo sợi mới có chỉ làm nên cái váy, cái mền cho mọi thành viên trong gia đình. Nhớ mẹ, bây giờ mình mới trồng bông để học cách se sợi làm chỉ dệt váy” - Thị Don, sóc Bom Bo, xã Bình Minh tự thuật.

Chị Thị Don (bìa trái), xã Bình Minh, huyện Bù Đăng đưa du khách tham quan cây bông được trồng trên nương rẫy để hiểu rõ hơn đời sống văn hóa tinh thần của người S’tiêng trên sóc Bom Bo

Còn chị Thị Xia, con gái của già làng Điểu Lên cứ âm thầm vận động chị em trên sóc Bom Bo cố bám khung dệt để lưu truyền nghề. Ai không biết dệt thì chị chỉ cho dệt, ai không có sợi thì chị vận động người thân cho sợi, ai không có cái ăn thì chị tìm nguồn hỗ trợ sinh kế. 2 năm qua, chị Thị Xia đã kết nối và vận động các nhà hảo tâm là chị em trong Hội quán các bà mẹ đến từ thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 5 cặp dê cho 5 chị em trong tổ dệt thổ cẩm sóc Bom Bo để làm nguồn vốn tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ thế, hầu hết phụ nữ trên sóc Bom Bo đều lưu giữ nghề dệt thổ cẩm dù cuộc sống có nhiều thay đổi. “Mình cần một ít đất để trồng bông, se sợi, dệt vải không phải làm giàu mà để chị em trên sóc gắn bó với khung dệt, đồng thời phục vụ nhu cầu du khách mỗi khi đến sóc Bom Bo” - chị Thị Xia chia sẻ.

Quanh theo lối mòn trên triền dốc phía sau sóc Bom Bo là ngôi nhà gỗ của bà Thị Môn. Hơn 50 năm qua bà vẫn âm thầm trồng bông, se sợi, dệt vải. Nếu không đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe thì thật sự không thể tin được giữa thời buổi công nghệ như hiện nay vẫn còn người trồng bông rồi kéo từng sợi chỉ làm nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Cả đời gắn bó với khung dệt, bà Thị Môn không nhớ mình đã dệt được bao nhiêu tấm thổ cẩm. Tất cả tấm thổ cẩm của bà chưa hề bán ra ngoài cộng đồng dân tộc mình. Tất cả chỉ để phục vụ mọi thành viên trong gia đình hoặc để đổi lấy trâu, bò, heo, gà, lúa gạo phục vụ cuộc mưu sinh.

Bà không biết dùng điện thoại, bà vẫn chân đất chăn trâu trên rẫy và hái bông, kéo sợi, dệt vải mỗi lúc, mọi nơi khi bà muốn. Bà không màng đến kinh tế thị trường, không quan tâm chuyện thị phi sang hèn, càng không để ý chuyện thời trang hay công nghệ. Bà chỉ quan tâm đến đường lên rẫy nhặt điều, chăn trâu, kéo sợi và dệt thổ cẩm. Bà hồn nhiên đến thánh thiện và là chỉ dấu để nhận biết tộc người S’tiêng trên sóc Bom Bo hiện nay.

VỖ CÁNH BOM BO

2 tiếng “Bom Bo” khiến mọi người liên tưởng đến hình ảnh của tiếng chày, cối gạo người S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn nhớ chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài 1965, người dân Bom Bo đã không quản ngại khó khăn băng rừng, vượt suối tiếp lương, gùi đạn để góp phần cùng quân và dân Phước Long làm nên chiến thắng Đồng Xoài rực lửa chiến công. Hào khí của tộc người S’tiêng ngày ấy là nguồn cảm hứng cho cố nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vượt cả không gian, thời gian đi vào lòng người, vang vọng đến tận hôm nay và sẽ nối dài cả mai sau.

Các sản phẩm thổ cẩm của người S’tiêng trên sóc Bom Bo được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội hiện nay

Nhịp chày, ngọn đuốc trong đêm giã gạo phục vụ cách mạng của người S’tiêng năm ấy cũng chính là nguồn cảm hứng ban đầu giúp nhạc sĩ Trần Tiến viết nên ca khúc “Ngọn lửa S’tiêng” mà sau này được chỉnh sửa thành “Ngọn lửa cao nguyên”. Sự đóng góp hồn nhiên, vô tư mà đầy nghĩa khí của người S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ đã tạo dựng nên một Bom Bo ngoan cường, giàu đức hy sinh và tràn đầy sự lạc quan tin tưởng vào chân lý cách mạng.

Để lưu giữ nét đẹp văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của người S’tiêng, Bình Phước đã 2 lần xây dựng Khu bảo tồn Bom Bo. Gần đây nhất là Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được khởi công xây dựng năm 2011 với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Tổng diện tích của dự án 113,4 ha với nhiều hạng mục công trình khác nhau.

Mục đích của dự án không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người S’tiêng mà còn là điểm nhấn để tỉnh Bình Phước quảng bá, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Tuy nhiên, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo hiện nay chưa phát huy hết giá trị vốn có của nó. Người S’tiêng vẫn còn đó, làng nghề của người S’tiêng vẫn còn đó nhưng du khách tìm đến Bom Bo không thấy cộng đồng, sản phẩm du lịch của người Bom Bo đâu cả.

Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bình Phước do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tổ chức đầu năm 2019, Trưởng phòng Quản lý du lịch tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thanh Hữu cho rằng: Bình Phước giống như nàng công chúa đang còn ngủ trong rừng. Rất mừng là Bình Phước không cần kêu gọi đã có những nhà giữ rừng, giữ từng cây rừng, từng sợi chỉ, khung dệt hết sức tâm huyết. Rừng là thế mạnh của Bình Phước, đừng bê tông, sắt thép hóa những công trình kiến trúc. Bởi bê tông, cốt thép sẽ không bao giờ bằng khu du lịch Đại Nam hay Suối Tiên cả. Đó là chưa nói đến viễn cảnh phá vỡ môi trường trong quá trình bê tông, cốt thép hóa. Du khách muốn thưởng thức những công trình kiến trúc thì sẽ đi Đà Lạt, Huế, TP. Hồ Chí Minh, chứ chẳng bao giờ tìm đến Bình Phước đâu. Bình Phước muốn làm du lịch thì hãy cố giữ sự hồn nhiên hoang sơ vốn có của mình, giữ môi trường trong sạch mà không mất tiền mua, rồi nó sẽ mang lại giá trị kinh tế bền vững cho mai sau. Thay vì chờ đến tết trồng cây nhớ Bác, tại sao chúng ta không dành một diện tích để cho du khách tự tay trồng rừng ngay trong chuyến du lịch khám phá hay nghỉ dưỡng của mình?

Trưởng phòng Quản lý du lịch tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thanh Hữu nói: “Trong 3 ngày trải nghiệm, phần lớn chúng tôi chỉ bắt gặp các sản phẩm chế biến công nghiệp, không thấy sản phẩm địa phương đâu, không thấy biểu tượng du lịch của Bình Phước đâu. Bù Lạch đang mùa nắng vàng ươm trảng cỏ, đẹp đến lạ thường, mát như thế mà không thấy nhà nghỉ hoặc nơi bán hàng lưu niệm đâu cả. Nghe nói sóc Bom Bo đi vào lịch sử cả thế giới biết đến chứ đâu chỉ có trong nước. Vậy mà đến nơi thấy toàn bê tông hóa, không thấy sóc Bom Bo, không thấy đồng bào S’tiêng đâu. Nếu đưa khách, đưa trẻ em đến đây thì họ tìm hiểu điều gì?”. Quả thật, đây là câu hỏi khó nhưng cần phải có câu trả lời để tìm giải pháp cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển.

Ngoài các công trình kiến trúc, diện tích đất trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo hiện nay chủ yếu là cây điều. Nếu dành một phần nhỏ diện tích đất trong khu bảo tồn này cho phụ nữ S’tiêng trồng bông, se sợi, dệt vải có hay hơn không? Du khách đến với Bom Bo là đến với nhịp sống của đồng bào, đến với nét đẹp thường nhật của người S’tiêng trên sóc Bom Bo. Biết đâu, diện tích trồng bông, se sợi kia là sản phẩm, là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Thị trường bông se sợi thủ công hiện nay dao động từ 250-300 ngàn đồng/kg. Việc quy hoạch xây dựng diện tích trồng bông, se sợi để duy trì và phục vụ nghề dệt thổ cẩm trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo không chỉ được tính bằng tiền trên mỗi tấm thổ cẩm, mà nó phải được hoạch định bằng giá trị du lịch, bằng giá trị văn hóa cộng đồng trong thu hút du khách mỗi khi đặt chân đến đây. Đó còn là giá trị cốt lõi để giúp Bom Bo “vỗ cánh” trong không gian rộng lớn của nền kinh tế thị trường thời mở cửa mà không trộn lẫn vào bất cứ địa phương nào.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94000

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu