Thứ 7, 27/04/2024 03:58:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:33, 12/12/2014 GMT+7

Chiến dịch phản công Đông Bắc Campuchia (từ 4-2 đến 31-5-1971)

Thứ 6, 12/12/2014 | 07:33:00 2,731 lượt xem

BPO - Vào đầu năm 1971, bằng biện pháp “chiến tranh bóp nghẹt”, đế quốc Mỹ và tay sai bắt đầu kế hoạch đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc tiến công trên chiến trường Lào, Campuchia nhằm triệt phá hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta. Chúng đã huy động 88 trong tổng số 214 tiểu đoàn bộ binh, 15 thiết đoàn mở cuộc tiến công quy mô lớn trên ba hướng: “Hành quân Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào; “Hành quân Toàn Thắng 1-71 NB” đánh lên vùng Đông Bắc Campuchia và cuộc tiến công từ bắc Kon Tum đánh ra hướng ngã ba biên giới (thuộc Atôpơ, Nam Lào).

Trong cuộc “Hành quân Toàn Thắng 1-71 NB” chúng đánh vào khu vực Kra-tích, đường số 7 - Đầm He - Suông Chúp thuộc Kông Pông Chàm vùng Đông Bắc Campuchia với tham vọng: Bất ngờ bao vây tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực, căn cứ cơ quan đầu não, kho tàng, ngăn chặn từ xa các cuộc tiến công của quân giải phóng về miền Nam; đồng thời yểm trợ cho Quân khu 1 Campuchia giải tỏa áp lực của ta để rảnh tay bình định khu vực phía Đông quốc lộ 1 và quốc lộ 7; tìm kiếm một thắng lợi quân sự hòng trấn an bọn tay sai ở Phnôm Pênh. Chúng huy động lực lượng gồm 3 sư đoàn bộ binh (3, 18, 25), lữ đoàn 3 kỵ binh, liên đoàn 3 biệt động quân, lực lượng đặc nhiệm hải quân, 12 tiểu đoàn pháo (216 khẩu từ 105 đến 175mm), 3 thiết đoàn gồm hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp và một lực lượng lớn không quân Mỹ chi viện. Ngoài lực lượng trên còn có 5 tiểu đoàn bộ binh Lon-non Campuchia (lực lượng tay sai thân Mỹ) cùng tham gia.


 Lực lượng kỹ thuật và bộ đội Trung đoàn Pháo binh 368 sửa chữa pháo tại chiến dịch Đường 9

 

Về phía ta, từ cuối năm 1970 tại vùng giải phóng Campuchia, ta xây dựng hậu phương, giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, nối liền được tuyến vận chuyển chiến lược đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, hệ thống bảo đảm hậu cần được tổ chức tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt, trên chiến trường Campuchia ta tiếp tục mở rộng nhiều vùng giải phóng ở nông thôn, cắt giao thông tạo thành thế bao vây Phnôm Pênh, đẩy quân Lon-non vào thế bị cô lập. Năm 1971, khi phát hiện địch mở cuộc hành quân quy mô lớn vào vùng Đông Bắc Campuchia, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền quyết định tổ chức chiến dịch phản công nhằm đánh bại cuộc hành quân của địch, tạo điều kiện thúc đẩy cách mạng miền Nam và cách mạng Campuchia tiếp tục phát triển lên một bước mới, bảo vệ kho tàng và tuyến hành lang vận chuyển của ta.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch có 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9), 2 trung đoàn pháo binh (75, 96), một trung đoàn đặc công, một trung đoàn công binh, 3 đại đội độc lập của 3 căn cứ (10, 20, 30). Bộ tư lệnh Miền do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Với quy mô tương đương cấp quân đoàn, chiến dịch diễn ra ác liệt, kéo dài từ ngày 4-2 đến ngày 31-5-1971, được chia làm 3 đợt:

Đợt 1, từ 4-2 đến 4-3-1971.

Địch tiến công chớp nhoáng đánh chiếm Suông - Chúp, thọc sâu xuống Đầm Be - Xơ Heng. Ta phản công đánh phủ đầu địch trên khu vực của từng sư đoàn phụ trách, tập trung lực lượng bẻ gãy mũi thọc sâu, buộc địch phải co về đường số 7, bỏ Chúp. Ý đồ, kế hoạch tác chiến chiến dịch và thế trận tiến công của địch bước đầu bị đảo lộn.

Đợt 2, từ 5-3 đến 16-4-1971.

Ta tập trung lực lượng bẻ gãy hai cuộc hành quân của chiến đoàn 48 và lữ đoàn 3. Phát huy thắng lợi ta chuyển sang tiến công vây ép, đẩy lùi địch về Can-đan, Chơ-rum, đánh qụy chiến đoàn 48, lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp và chiến đoàn 5. Sau đó, các sư đoàn tiếp tục cơ động về đứng chân tại 3 khu vực: Chúp, Mi-Mốt, Xơ-nun chuẩn bị sẵn sàng đánh trả các cuộc hành quân giải tỏa mới của địch.

Đợt 3, từ 17-4 đến 24-6-1971.

Phát hiện ta đang chuẩn bị mở đợt hoạt động mới, địch tích cực đề phòng bằng cách điều động lưc lượng, tăng cường máy bay, pháo binh chi viện, phái các lực lượng biệt kích nống ra thăm dò, phá chuẩn bị của ta. Chiến đoàn 8 ở Xơ-nun và cụm quân Lon non ở bờ đông Tông-Lê-Sáp bị ta vây ép mạnh, địch buộc phải tung các cánh quân tăng viện ứng cứu. Ta nắm thời cơ diệt các cánh quân tăng viện; đồng thời kiềm chế nghi binh, uy hiếp, cô lập không cho địch lên Suông Chúp bắc đường 7.

Từ 25-5, ta bao vây áp sát đội hình cụm chiến đoàn 8 và một số cụm lân cận, tiêu hao dịch, cắt đứt mọi liên lạc đường bộ, đường không, làm cho địch thiếu lương thực, nước uống, không có đường vận chuyển thương binh, tử sĩ, hoang mang dao động, rã ngũ. Ta tiếp tục tăng cường bao vây chặt chiến đoàn 8, và tổ chức chặn đánh lữ 3 kỵ binh thiết giáp đến ứng cứu giải tỏa.

Ngày 30-5 lữ đoàn 3 bị thiệt hại nặng, chiến đoàn 8 rút chạy. Ta dùng hỏa lực bắn chặn, bộ binh vận động bao vây trên các hướng, diệt chiến đoàn 8 ở khu vực từ Sớm Hay đến số 7 Dốc Lu. Quân đoàn 3 lên đón lữ đoàn 3 và chiến đoàn 8 đều bị các lực lượng ta bám sát, bao vây, chia cắt, chặn đánh từng bộ phận. Địch bị thiệt hại nặng, đội hình rối loạn buộc phải co về cố thù. Ta truy lùng tàn binh địch, thu dọn chiến trường và kết thúc chiến dịch. Riêng sư đoàn bộ binh 9 tiếp tục đánh địch trên đường số 7.

Sau 3 tháng chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ta kết thúc chiến dịch thắng lợi, tiêu diệt 25.000 tên; diệt gọn chiến đoàn 8, một trung đoàn xe tăng, 18 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp, 6 chi đoàn thiết giáp, 2 chi đội xe tăng; bắn rơi 238 máy bay, 1.509 xe quân sự (639 xe thiết giáp, 167 khẩu pháo 105mm, 34 xe quân sự…); đánh bại âm mưu tiến công mùa khô 1970 - 1971 của địch, bảo vệ vững khu căn cứ hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.

Chiến dịch phản công Đông Bắc Campuchia đã đánh bại cuộc “Hành quân Toàn Thắng 1-71 NB” của Mỹ - Việt Nam cộng hòa. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Đưòng 9-Nam Lào, thắng lợi của chiến dịch Đông Bắc Campuchia đã thúc đẩy sự suy sụp của chính quyền Sài Gòn, giáng một đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, âm mưu dùng quân đội Sài Gòn thay quân Mỹ làm lực lượng nòng cốt trên chiến trường Nam Việt Nam và chiến trường Lào, Campuchia.

Chiến dịch còn đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội chủ lực Miền về tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch quy mô cấp quân đoàn trong điều kiện có nhiều khó khăn. Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch là sự chỉ đạo kịp thời và đánh giá đúng khả năng ý đồ địch, qua đó ta đã xây dựng được kế hoạch đầy đủ và làm tốt công tác tổ chức chuẩn bị. Trong chiến dịch đã thể hiện nghệ thuật giành quyền chủ động tiến công địch ngay từ đầu, từ chủ động về chiến thuật sang chủ động về chiến dịch.

[1] Toàn bộ lực lượng trên địch tổ chức thành 7 chiến đoàn: chiến đoàn 225 thuộc sư đoàn 25 bộ binh (có 5 tiểu đoàn và thiết đoàn 10 kỵ binh); chiến đoàn 33 thuộc liên đoàn 3 biệt động quân (gồm 3 tiểu đoàn và thiết đoàn 1 kỵ binh); 2 chiến đoàn thuộc sư đoàn 18 bộ binh (gồm 7 tiểu đoàn và thiết đoàn 5 kỵ binh); chiến đoàn 3 kỵ binh thuộc liên đoàn 3 kỵ binh (gồm 2 tiểu đoàn biệt động quân, 2 thiết đoàn 15 và 18 kỵ binh); 2 chiến đoàn thuộc sư đoàn 5 bộ binh (gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn biệt động quân, 1 chi đoàn thiết giáp, 15 chi đoàn máy bay).

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
12235

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu