Thứ 6, 29/03/2024 17:56:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:26, 19/06/2019 GMT+7

Hướng đến nền hành chính phục vụ

Thứ 4, 19/06/2019 | 09:26:00 183 lượt xem

BP - Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2018 đạt thấp là do điểm số gia nhập thị trường giảm mạnh, vì doanh nghiệp (DN) mất quá nhiều thời gian hoàn thành tất cả thủ tục để bước vào hoạt động. Đáng chú ý là điểm số thành phần xếp hạng thấp thuộc về thời gian hoàn thành thủ tục bước đầu để DN đi vào hoạt động, vì vẫn còn 25% DN cần đến 1 tháng và 10% DN cần 3 tháng. Trong khi số ngày đăng ký DN chỉ là 5 và số ngày đăng ký thay đổi chỉ là 4. Đặc biệt, các thủ tục “hậu đăng ký DN” liên quan đến xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang làm DN mới thành lập gặp khó khăn nhiều nhất.

Kế đến, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, bởi tính năng động của bộ máy chính quyền được đánh giá thấp, chỉ đạt 4,23 điểm (xếp hạng 62). Trong đó, có 65,3% DN cho rằng UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (xếp hạng 20), nhưng lại có đến 80,8% DN cho rằng “Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành” và 67,6% DN đồng ý với nhận định “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện, thị”. Mặt khác, tuy tình trạng nhũng nhiễu đã giảm ở đa số các lĩnh vực, nhưng vẫn ở mức đáng báo động, bởi tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai vẫn tăng so với năm trước. Thậm chí, 61,5% DN cho rằng “công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức”, 58,3% DN đồng ý “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến” và 40,2% DN “có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh - kiểm tra”.

Nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ từ các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh trong năm 2019, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1555/UBND-NC, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố phải đảm bảo trên 95% người dân, tổ chức, doanh nghiệp được khảo sát hài lòng với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC. Nếu dưới 95% phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức, viên chức liên quan theo quy định. Đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng hẹn. Không để tổ chức, cá nhân đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ; 100% trường hợp hồ sơ trễ hẹn đều có văn bản nêu rõ lý do, xin lỗi tổ chức, cá nhân và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định... Công văn nêu trên cũng cho thấy, UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, chỉ rõ những bất cập, khâu “nghẽn” trong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để vào cuộc quyết liệt hơn trong cải cách TTHC.

Thực tế, bức tranh về môi trường kinh doanh, hiệu quả điều hành kinh tế và công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua đã có rất nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, trước sự nỗ lực mạnh mẽ của các tỉnh, nhất là các tỉnh ở cuối bảng xếp hạng thì đây lại là thách thức không nhỏ đối với toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Do vậy, các cấp và ngành chức năng trong tỉnh quyết liệt vào cuộc, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, bởi ngoài cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chúng ta còn phải hướng đến một nền hành chính công hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109127

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu