Thứ 7, 27/04/2024 11:58:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:29, 23/09/2018 GMT+7

Huyền Quang đại sư

Chủ nhật, 23/09/2018 | 13:29:00 708 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái. Ông là nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thời Trần. Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là làng Vạn Tải, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người học giỏi, đỗ cả kỳ thi hương và thi hội. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 và được bổ làm việc trong Viện Nội hàn của triều đình. Sau này, ông từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Về sau, cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và 2 vị nêu trên ngang hàng với 6 vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.

Minh họa: S.H

Theo truyền thuyết, mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các tòa trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa. Năm ấy, Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên ông dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.

Trong sách “Tam Tổ thực lục” có đoạn chép về tiểu sử Huyền Quang như sau: Ông cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại “duyên xưa”, xin xuất gia thụ giáo. Tuy nhiên, cũng trong sách này, ở phần tiểu sử, Pháp Loa lại nói Huyền Quang thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh). Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Về sau, theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì tinh thông đạo lý nên tăng chúng đua nhau đến học.

Năm 1317, ông được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch năm 1330, ông kế thừa làm Tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên ông giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Ông đến trụ trì Thanh Mai Sơn 6 năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa. Ngày 23-1-1334, thời vua Trần Hiến Tông, ông viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.

Về chân tu của nhà sư Huyền Quang, chuyện xưa kể lại rằng: Khi vua Trần Anh Tông mới đăng quang, một triều thần đã gièm pha Thiền sư Huyền Quang rằng nhà sư còn trẻ như thế, chắc gì đã là một vị chân tu chân chính, lại được đứng đầu các hàng tăng ni, phật tử, e rằng thiên hạ sẽ sinh ra dị nghị. Sau khi bàn bạc với các đại thần, vua quyết định thử lòng Huyền Quang bằng kế mỹ nhân. Người được chọn là nàng Điểm Bích, một cung nhân vừa đẹp, quyến rũ vừa có tài văn thơ. Vua chỉ dụ cho Điểm Bích phải lấy được ít nhất một trong số 10 nén vàng mà nhà vua đã tặng Huyền Quang để làm bằng chứng. Tại Yên Tử, Điểm Bích đã sử dụng đủ các chiêu trò sắc dục để mê hoặc thiền sư, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, cô đã bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm để lợi dụng lòng từ tâm của Huyền Quang... Với kế này, Điểm Bích lấy được vàng mà vua đã giao cho thiền sư.

Khi trở về cung, Điểm Bích dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới. Nhà vua tức giận, liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Huyền Quang về kinh đô, thấy bày biện vàng lụa, các món mặn, liền biết mình đã bị thử thách. Thiền sư thở dài, lên xuống đàn 3 lần rồi khấn: A di đà phật! Xin trời, phật chứng giám, phù hộ độ trì. Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư phật cho đày xuống âm ty địa ngục, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi và những cỗ mặn kia hóa thành cỗ chay tất cả. Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng chay. Khi đó, Điểm Bích đã phải thú nhận với nhà vua về sự gian dối của mình. Và vì được Thiền sư Huyền Quang tha thiết xin vua tha tội nên cô đã không bị trừng phạt.

Lời bàn:

Xưa nay, với những bậc chân tu, cuộc sống của một con người thông tục thì quanh quẩn với lợi dưỡng và ái tình. Chính lợi dưỡng đưa con người đến chỗ đấu tranh sinh tồn, kẻ thắng thì kiêu ngạo, kẻ thua thì hận thù tím tâm can, nhất là chốn quan trường thì sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn nữa. Và ái tình làm cho con người trở nên ích kỷ, hèn mọn trong lối sống, ràng buộc trong tinh thần. Huyền Quang ngay từ thời trẻ đã thoát được sự ràng buộc ấy, làm một con người dám sống như chính mình, dám từ bỏ để được sống với chính con người thật của mình. Chính vì ý thức được sự không bền vững của vinh hoa phú quý, cái mỏng manh của đời sống con người mà Huyền Quang đã xuất gia.

Trước khi xuất gia là một Huyền Quang của một nho sĩ chân chánh. Đó là một con người dám xem nhẹ công danh để được sống thật với chính mình. Chỉ cần một khía cạnh này thôi, chúng ta cũng đủ thấy được sự đáng trân trọng về tinh thần đạo đức của con người Huyền Quang. Bởi vậy cho nên đối với tinh thần Nho gia là phải biết đủ, biết dừng lại đúng lúc thì mới có được sự giải thoát. Nói theo Nguyễn Công Trứ: Biết đủ tức là đủ, đợi đủ biết bao giờ đủ? Biết nhàn tức là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ nhàn? Và Thiền sư Huyền Quang đạt tới bậc chân tâm là nhờ vậy.

N.D

  • Từ khóa
110094

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu