Thứ 7, 20/04/2024 11:43:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:19, 19/09/2017 GMT+7

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Kẽ hở trong chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân

Thứ 3, 19/09/2017 | 16:19:00 3,722 lượt xem

BP - Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21-11-2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Sau đó, luật này đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2012 và năm 2014. Do đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 có một số điều, khoản đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, những quy định về thu nhập được miễn thuế vẫn còn hiệu lực và chỉ bổ sung đối tượng được miễn. Mặc dù áp dụng vào thực tế cuộc sống mới hơn 8 năm và đã được sửa đổi, bổ sung đến 2 lần, nhưng nhiều quy định trong luật này đang bộc lộ những bất cập, đặc biệt là quy định về thu nhập được miễn thuế trong lĩnh vực bất động sản. Đây chính là kẽ hở tạo ra tiêu cực và thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Kẽ hở thứ nhất: Chuyển nhượng hoặc tặng cho qua trung gian

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì việc chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản giữa một số cá nhân có quan hệ gia đình với nhau cũng được miễn thuế. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định thu nhập được miễn thuế như sau: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau. Và trong thực tế có không ít người đã sử dụng mối quan hệ bắc cầu để trốn thuế. Và xin nêu ra đây một ví dụ: Hai ông Nguyễn Văn B và Trần Văn C là anh em cọc chèo, có nhu cầu chuyển nhượng bất động sản cho nhau. Theo quy định của pháp luật thì khi thực hiện việc chuyển nhượng bất động sản, ông B và ông C không thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, để lách luật và né không phải đóng thuế, ông B làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản cho cha vợ. Sau đó, người cha vợ lại chuyển nhượng tiếp cho ông C cũng là con rể. Như vậy, trên thực tế đã diễn ra 2 lần chuyển nhượng bất động sản, nhưng cả 2 lần đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Và chính bằng cách này, người chuyển nhượng bất động sản đã không phải đóng thuế, còn nhà nước thì thất thu.

Dự án khu dân cư ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài (ảnh minh họa)  -  Ảnh: K.B

Chưa hết, tại Khoản 4, Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 còn có quy định như sau: Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau. Với quy định này, một lần nữa Luật Thuế thu nhập cá nhân lại tạo ra kẽ hở để không ít cá nhân lợi dụng tránh đóng thuế. Ví dụ, vợ chồng ông Lê Văn H và bà Lý Thị X cùng đứng tên sở hữu chung một căn nhà tại thị xã Đồng Xoài. Ông H, bà X là anh trai và chị dâu của ông N, nay vợ chồng ông H và bà X tặng lại căn nhà cho em trai và em chồng là ông N, thì ông N vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì tài sản này thuộc diện là quà tặng, mà giao dịch tặng hay cho giữa chị dâu với em chồng thì không được miễn thuế. Để giúp ông N không phải đóng thuế, bà X đã làm thủ tục tặng phần sở hữu của mình cho chồng là ông H. Sau đó, ông H làm thủ tục tặng nhà cho em trai là ông N. Ở trường hợp này, vợ chồng ông H cũng có thể làm thủ tục tặng căn nhà cho cha mẹ của mình và sau đó cha mẹ ông H lại làm thủ tục tặng cho con là ông N. Và cả 2 cách làm trên đều không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Kẽ hở thứ hai: Nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế

Tại Khoản 2, Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về miễn thuế thu nhập cho cá nhân khi chuyển nhượng như sau: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Cá nhân chuyển nhượng có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại khoản này phải đáp ứng các điều kiện sau: Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó); Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày; Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ; Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Cá nhân có nhà ở, đất ở chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định nêu trên thì để được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập, cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Theo như những quy định đã nêu, thì tính xác thực của việc chứng minh bất động sản đó là tài sản duy nhất lại chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động của cá nhân người nộp thuế; đồng thời, người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực việc kê khai của mình. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì người chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất khi chuyển nhượng sẽ làm bản tự khai và viết cam kết về việc chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất, đồng thời họ tự chịu trách nhiệm về tính trung thực trong bản tự khai. Sau đó, tờ khai cam kết này được người chuyển nhượng trực tiếp đưa đến UBND cấp xã để xác nhận chữ ký của mình và nộp tờ khai này cho cơ quan quản lý thuế nơi có bất động sản sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Sau này, nếu cơ quan thuế phát hiện lời khai không đúng thì người khai sẽ bị xử lý bằng cách truy thu thuế và phạt về hành vi gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Và đây chính là kẽ hở tạo điều kiện cho không ít người có nhiều nhà ở, đất ở khi chuyển nhượng sẵn sàng kê khai là tài sản duy nhất để không phải nộp thuế. Thực tế này đang diễn ra khá phổ biến, gây thất thu lớn cho ngân sách, vì hiện nay hệ thống thông tin quản lý cá nhân ở nước ta chưa thể kết nối trên phạm vi toàn quốc. Do đó, các cơ quan chức năng không thể quản lý được việc sở hữu bất động sản của từng cá nhân trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Ở đây xin nêu ra một dẫn chứng: Ông Nguyễn Văn A có một căn nhà ở Bình Phước, khi chuyển nhượng thì ông A làm bản cam kết với cơ quan thuế ở thị xã Đồng Xoài về việc chỉ có 1 bất động sản duy nhất là căn nhà đó để có thể được miễn thuế thu nhập cá nhân. Nhưng thực tế thì cơ quan thuế ở Đồng Xoài không thể biết được là ngoài căn nhà ở Bình Phước ông A còn có thêm các bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh. Bất động sản này ông A mua để cho các con ông có nơi ăn, chỗ nghỉ trong thời gian học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Chính từ kẽ hở này, ông A đã tránh được một khoản thuế lên đến cả chục và có khi trăm triệu đồng tùy vào giá bán của căn nhà. Ngược lại, nhà nước đã bị thất thu cũng từng ấy số tiền thuế.

Bài viết này, dẫu sao cũng mới chỉ là ý kiến của cá nhân, rất mong nhận được sự đóng góp chân tình từ các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Và nếu ý kiến đã nêu là xác thực, rất mong các cơ quan có thẩm quyền sớm đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để né, trốn thuế.

Diệp Viên

  • Từ khóa
1188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu