Thứ 7, 20/04/2024 03:35:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:55, 04/06/2019 GMT+7

Kẻ thù phải khâm phục

Thứ 3, 04/06/2019 | 09:55:00 218 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này, ở số báo trước đã nói về bà Hoàng Thị Tòng - một nữ kiệt đất Quảng. Trong bài viết này xin giới thiệu cùng độc giả về những hoạt động tích cực của bà ở hải ngoại. Tháng 5-1908, bà Hoàng Thị Tòng cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Dương Đình Thạc và nhiều chí sĩ khác bị đày đi Côn Đảo. Ngày mới ra đảo, ngục trưởng là O. Conell phải khâm phục bà vì nói và làm thơ bằng tiếng Pháp rất hay, lưu loát. Ở Côn Đảo 3 năm, Hội Phụ nữ Pháp vận động nên bà được trả tự do và tháng 4-1910, bà xuất dương sang Nhật.

Chuyến đi này có Huỳnh Thường Tu, làng Cẩm Thoại, tổng An Phước, Đại Lộc và Tư Doãn, làng Thạnh Mỹ, tổng Phú Mỹ, Thăng Bình là con nuôi của Tiểu La Nguyễn Thành cùng đưa tiễn ra Hà Nội tá túc nhà Tăng Thiện là con nuôi Tăng Bạt Hổ. Sau đó bà cùng Tăng Thiện sang Hương Cảng, Trung Quốc ở nhà Lý Tuệ. Cụ Lý Tuệ gửi bà cho ông Phùng Chấn đưa sang Nhật. Tháng 8-1910, bà gặp chồng và Ngô Duy Cường tại Đông Kinh (Kyoto), sau đó Duy Tân hội giới thiệu bà với vợ chồng chính khách Toshzo Nishio và nhiều người Nhật tiến bộ.

Minh họa: S.H

Sau đó, bà đứng tên xin phép Chính phủ Nhật mở trường Việt Thanh Văn tại 218 phố Minh Trị, Đông Kinh, dạy cho người Nhật học tiếng Việt, Trung và tiếng Pháp với trên 400 học sinh. Mục đích của bà là lấy kinh phí dạy học hỗ trợ Duy Tân hội, nuôi dưỡng phong trào chống Pháp. Đồng thời, vẫn tiếp tục hoạt động bên cạnh chồng là Lê Quý Liên, cũng là một lưu học sinh Đông du của Duy Tân hội đang sống lưu vong tại đây. Mùa thu năm 1912, bà sang Hương Cảng gặp và biếu một ít tiền cho Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cương Để và Đặng Tử Kính. Tại đây, bà dự cuộc họp của Duy Tân hội bàn và thống nhất đổi tên tổ chức là Việt Nam Quang phục hội.

Tháng 6-1913, bà sinh đôi, đặt tên con trai là Lê Phục Quốc, con gái là Lê Việt Nam. Hoàng Thị Tòng học thêm tiếng Nhật với học sinh, tiếng Đức với bà Toshzo Nishio, tiếng Xiêm với Đặng Nguyên Cẩn. Và nhờ có khả năng diễn thuyết bằng tiếng Việt, bà thường xuyên tổ chức diễn thuyết bằng tiếng bản xứ ở Đông Kinh, Hoành Tân, Thần Hộ và các thị trấn trên đất Nhật, tố cáo sự áp bức của chế độ thực dân Pháp ở hải ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Tháng 12- 1913, bà sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu bàn việc thì nghe tin Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng bị Đô đốc Long Tế Quang cấu kết với toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut bắt, âm mưu dẫn độ về Việt Nam, đổi lại Pháp cho Trung Hoa mượn đường sắt từ Quảng Đông lên Vân Nam. Hoàng Thị Tòng đi Thượng Hải và Bắc Kinh, gặp Hindeu, Otlz Potoz và A. Domairs là 3 lãnh sự Đức, Nhật, Nga để vận động và được họ nhận lời sẽ can thiệp thả 2 cụ.

Sau đó, bà đi gặp báo chí ngoại quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh viết bài tố cáo âm mưu Chính phủ Trung Hoa bắt 2 nhà yêu nước Việt Nam. Do Tổng lý Bắc Kinh là Đàm Kỳ Thụy trước đó có sang Nhật, ghé thăm trường Việt Thanh Văn nên biết Hoàng Thị Tòng, lần này bà đến Bắc Kinh gặp trực tiếp Đàm Kỳ Thụy can thiệp mạnh để thả 2 nhà chí sĩ. Nhờ có sự vận động của Hoàng Thị Tòng mà Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng được đối xử giảm nhẹ và không bị Long Tế Quang giao cho Pháp. Tháng 2-1917, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính đi Hàng Châu để can thiệp Trung Hoa thả Mai Lão Bạng. Trước khi đi, Phan Bội Châu giao cho Hoàng Thị Tòng sang Philippines nghiên cứu và học tập mô hình canh tân.

Sang đến Philippines, bà trình giấy giới thiệu của Việt Nam Quang phục hội với các nhà chức trách rồi tìm hiểu việc thực hành cải cách xã hội ở các học đường, trại canh nông, xưởng công kỹ nghệ, sở thực nghiệm, sở thực hành cải tạo xã hội... Sau hơn 1 tháng ở Philippines, bà trở về Hương Cảng báo cáo tình hình với Phan Bội Châu và trở về Nhật thì đúng lúc Chính phủ Nhật ra lệnh đóng cửa trường Việt Thanh Văn và trục xuất du học sinh. Sau đó, bà cùng chồng và các đồng chí sang Hàng Châu, Trung Hoa tiếp tục hoạt động đổi tên là “Thiếu Lâm Quảng Đông”.

Lời bàn:

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, có 2 người phụ nữ được tôn vinh là “Nữ kiệt đất Quảng”. Đó là bà Lê Thị Đàn và bà Hoàng Thị Tòng. Với bà Hoàng Thị Tòng là người phụ nữ duy nhất trong số gần 200 thanh niên sang Nhật Đông Du, hoạt động ở Trung Hoa và sang các nước châu Á, châu Âu để diễn thuyết vận động hải ngoại ủng hộ các phong trào Duy Tân, Đông Du và sau này là Quang phục hội. Tuy là phụ nữ nhưng với tài năng, trí tuệ và tấm lòng vì nước, vì dân, bà đã có nhiều đóng góp to lớn cho các phong trào cách mạng trong những năm đầu thế kỷ XX.

Ban đầu, với chủ trương bạo động tập hợp nhân dân đứng lên đấu tranh giành lấy độc lập, tự do của các vị lãnh đạo phong trào Đông Du, Quang phục hội là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tư tưởng nhờ sự trợ giúp của bọn tư bản hiếu chiến, tham lam là không đúng. Bởi bản chất chúng là quân chuyên đi xâm lược các nước khác, thì việc nhờ chúng chẳng khác nào mang mỡ đến miệng mèo. Tuy nhiên, phong trào Đông Du đã mở đường cho việc cứu nước là đi ra bên ngoài để học hỏi. Đồng thời, cũng từ đó thổi bùng ngọn lửa yêu nước chưa bao giờ nguôi của người dân Việt Nam. Và bà Hoàng Thị Tòng là một trong những ngọn đuốc sáng nhất vào thời đó.

N.D

  • Từ khóa
110187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu