Thứ 7, 20/04/2024 16:36:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:30, 15/02/2018 GMT+7

MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018

Độc đáo kèn sừng trâu của người S’tiêng

Thứ 5, 15/02/2018 | 15:30:00 1,100 lượt xem
BP - “Ngày xưa lũ làng mừng lúa mới hay đi ăn lễ trả của vui lắm. Từ nhà mình đến nhà nó có cả đoàn người. Trong đoàn người ấy bắt buộc phải có 6 người vừa đánh cồng chiêng vừa thổi kèn sừng trâu. Đoàn người đi trong hớn hở của thanh âm cồng chiêng pha lẫn tiếng kèn sừng trâu. Gặp trời tối trên đường thì ngủ lại bên đường, gặp rừng thì ngủ lại giữa rừng. Sáng ra, đoàn người đi tiếp trong tiếng kèn, tiếng cồng chiêng cho tới nhà khách” - ông Điểu Hoi, thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập nhớ lại quá khứ tiếng kèn sừng trâu của người S’tiêng như một biểu tượng của lòng kiêu hãnh chốn sơn nguyên.

BẢN NGUYÊN TIẾNG ĐÀN

Ông Điểu Hoi kể: Cha mình, ông nội mình sinh ra và lớn lên ở đây. Rừng cũng ở đây. Ngày ấy, già làng báo rừng nào có nhiều heo, nhiều nai thì cả làng ra làm hàng rào. Có những hàng rào làm vài năm mới xong. Khi làm xong chỉ chừa lại một lối đi. Phía dưới lối đi lũ làng đào một cái hố rất to được ngụy trang bằng lá cây để bẫy thú rừng. Trong thời gian làm hàng rào bắt buộc phải có ít nhất 2 người ngồi canh gác lối đi từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc, bất chấp ngày hay đêm, mưa hay nắng. Khi hàng rào làm xong, cả làng tập trung già trẻ, gái trai cùng ra xua đuổi, bắt thú rừng. Ai có xà gạc thì dùng xà gạc, ai có lao dùng lao, có gậy dùng gậy, có chiêng thì đánh chiêng, có kèn thì thổi kèn. Tất cả kết thành đám đông rồi dàn hàng ngang trong hàng rào hò hét tạo thành khối âm thanh đậm đặc lấn át cả tiếng kêu muông thú, làm cho muông thú thất vía hồn kinh phải dồn về bẫy. Trong trường hợp này, cồng chiêng và kèn sừng trâu không chỉ có chức năng tạo ra âm thanh mà còn gánh vác thêm nhiệm vụ tạo ra sự hưng phấn cho cả đoàn người trong suốt quá trình xua đuổi, đánh bắt thú rừng.

 

Nghệ nhân Điểu Kiêu (bìa phải) hướng dẫn các thành viên trong đội tập luyện kết hợp kèn sừng trâu với đánh chiêng  Nghệ nhân Điểu Kiêu (bìa phải) hướng dẫn các thành viên trong đội tập luyện kết hợp kèn sừng trâu với đánh chiêng

Người S’tiêng gọi kèn sừng trâu là Nông Ke R’pu. Bộ Nông Ke R’pu của người S’tiêng có 6 cái, mỗi cái thanh âm tương thích với từng thanh âm của bộ cồng hay chiêng. Thuở nguyên sơ, nhiệm vụ chính của Nông Ke R’pu là tạo ra âm thanh để xua đuổi thú rừng nên lúc nào cũng đòi hỏi có nhiều người để vừa sử dụng vừa bảo vệ nhau trước sự tấn công của thú dữ. Càng về sau, người S’tiêng sử dụng Nông Ke R’pu không chỉ để xua đuổi thú rừng mà còn là phương tiện bày tỏ tình cảm giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, vạn vật. Và rồi không biết từ bao giờ, Nông Ke R’pu lại trở thành thành viên không thể thiếu trong dàn hợp xướng của cồng chiêng, kèn bầu hay đàn đinh jút ở những lễ hội như mừng lúa mới, quay đầu trâu... Thậm chí Nông Ke R’pu còn được người S’tiêng đưa ra quy ước chỉ được sử dụng ngoài rừng hoặc trong trường hợp giết trâu.

Sừng trâu - tiếng lòng của người S’tiêng

Khác với tù và cũng được làm bằng sừng trâu của các tộc người vùng Tây Nguyên, lỗ thanh âm kèn sừng trâu của người S’tiêng được khoét ở ngay giữa sừng. Để làm nên bộ kèn, trước hết người chế tác phải sưu tầm đủ 6 cái sừng trâu có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Đợi đến khi đủ 6 cái sừng có khi mất vài năm, 5 năm hoặc lâu hơn bởi phụ thuộc vào điều kiện kinh tế mà người S’tiêng có tổ chức quay đầu trâu hay không. Chỉ với ngọn lửa và con dao côi, người S’tiêng đã chế tác được chiếc kèn sừng trâu mang nhiều cung bậc, thang âm khác nhau. Thang âm của mỗi chiếc kèn phụ thuộc vào độ dày, mỏng, dài, ngắn của chiếc sừng trâu. Để thang âm của chiếc kèn trong veo như tiếng suối, thanh thoát như tiếng chim, ngân vang như tiếng voi, người chế tác phải hơ sừng trâu trên ngọn lửa, sau đó dùng dao côi gọt giũa thật mỏng. Nhất là lưỡi gà của chiếc kèn phải được tuyển chọn từ những thanh tre gai lâu năm để vừa đảm bảo độ cứng vừa đảm bảo sự mềm mại nhằm tạo ra độ rung của thang âm. Vật liệu có chức năng kết nối sừng trâu với thanh tre để giữ hơi phải là sáp ong đất rừng chính hiệu. Chưa hết, người chế tác loại nhạc cụ này phải am tường từng cung bậc thang âm của tiếng cồng, tiếng chiêng. Bởi mỗi bộ kèn sừng trâu đều dựa trên nền tảng thang âm của tiếng cồng chiêng. Do vậy, mỗi bộ kèn sừng trâu chỉ tương thích và dùng đúng cho một bộ cồng hoặc một bộ chiêng. Ngay cả đàn đinh jut có 6 dây, kèn bầu 6 ống cũng đều dựa trên nền tảng thang âm có 6 chiếc cồng hoặc 6 chiếc chiêng của người S’tiêng.

Không ai còn nhớ rõ kèn sừng trâu xuất hiện từ khi nào, chỉ biết từ xưa rất xưa, tộc người S’tiêng trên đất Bình Phước đã biết dùng sừng trâu để chế tác ra tiếng kèn bày tỏ nỗi lòng của mình trước thiên nhiên hùng vĩ. Tiếng kèn còn diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc của con người trong lao động sản xuất, trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình và ngay cả trong giao tiếp với thần linh.

 

Nhạc sĩ Trần Văn Đông, Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Bình Phước đang đo trường độ âm vực của kèn sừng trâu​​​​​​​Nhạc sĩ Trần Văn Đông, Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Bình Phước đang đo trường độ âm vực của kèn sừng trâu

Điểu Kiêu - một nghệ nhân ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập sử dụng thành thạo các nhạc cụ của người S’tiêng từ năm 14 tuổi. Ông cho thổi kèn như vẽ nên một bức tranh bằng âm thanh sống động giữa núi rừng rằng: “Bên ngọn lửa rừng, trăng mờ có rõ. Tố rượu cần anh uống đợi đêm đi qua. Trên nương kia, lúa chín vàng bát ngát. Trên cây cao, chim hót mừng lúa mới. Dưới sông xanh, cá vui đùa gọi mùa. Trời trong xanh, lúa càng thêm xanh. Bản làng ta đang mừng vui lúa mới”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Kpa Y Lăng cho rằng: “Người S’tiêng dùng đôi tay của mình để chặn, ngắt tiếng cồng chiêng mà không dùng dùi như các tộc người Tây Nguyên đã là một nét riêng độc đáo. Nếu kết hợp cồng chiêng với kèn sừng trâu, hay đàn bầu, đàn đinh jut để diễn tấu thì không có sự độc đáo nào bằng. Đây là nét khác biệt giàu tính nhân văn trong nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng giữa người S’tiêng với các tộc người khác trên cao nguyên. Nó cần sự nghiên cứu để bảo tồn giá trị vốn có một cách bài bản”.

NGUY CƠ MAI MỘT

Cồng chiêng, kèn sừng trâu, đàn bầu hay đàn đinh jut của người S’tiêng luôn gắn liền với số 6 (bộ cồng chiêng có 6 cái, đàn đinh jut có 6 dây, kèn bầu có 6 ống) và không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Nó gắn liền như máu thịt với cộng đồng tộc người nơi thôn, sóc bất chấp bao biến thiên của thời cuộc. Có thể nói cồng chiêng hay các nhạc cụ khác của tộc người S’tiêng là một loại hình nghệ thuật mang tính độc lập, giàu bản sắc và chống lại mọi làn sóng văn hóa ngoại lai qua nhiều thời đại. Sức sống mãnh liệt của nó đã được minh định qua dòng chảy của lịch sử từ bao đời nay.

Chưa có nhạc cụ nào mang giá trị tinh thần cao như dàn hợp xướng cồng chiêng của người S’tiêng. Nó như một biểu tượng gắn bó mật thiết với từng con người, từng cộng đồng trong mọi sinh hoạt đời sống văn hóa hay tập tục, lễ nghi của một tộc người và trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của cả 54 dân tộc cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Thế nhưng, một thực tế đáng báo động hiện nay là kèn sừng trâu nói riêng và cồng chiêng nói chung của người S’tiêng đang đứng trước nguy cơ mai một.

 

Nghệ nhân Điểu Hoi chế tác kèn sừng trâu​​​​​​​Nghệ nhân Điểu Hoi chế tác kèn sừng trâu

Toàn tỉnh hiện nay chỉ có duy nhất đội cồng chiêng của xã Phú Nghĩa biết sử dụng song hành cồng chiêng với kèn sừng trâu như một thực thể của nhạc cụ. Cả tỉnh Bình Phước hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Điểu Hoi biết chế tác kèn sừng trâu và am hiểu tận tường nghệ thuật cồng chiêng. Mặc dù vậy, nghệ nhân này đã bỏ việc chế tác lẫn phong trào biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng đã 20 năm qua. Cả thôn Đắk Á của xã Bù Gia Mập bây giờ không còn bộ chiêng nào nói gì đến kèn sừng trâu. Trong khi đó, kèn sừng trâu được xem là điểm nhấn khác biệt, đầy sức quyến rũ trong nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng của người S’tiêng. Đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến giá trị thang âm cũng như vai trò của kèn sừng trâu trong đời sống tinh thần của các tộc người S’tiêng. Số người biết sử dụng cồng chiêng hay kèn sừng trâu hiện nay phần lớn đã lớn tuổi và còn lại rất ít. Đặc biệt, người biết kết hợp cồng chiêng với kèn sừng trâu như một dàn hợp xướng để diễn tấu lại càng hiếm. Do vậy, nguy cơ mai một nghệ thuật cồng chiêng nói chung và kèn sừng trâu nói riêng trong cộng đồng người S’tiêng không còn ở mức báo động mà là đang hiện hữu. Nếu ngành văn hóa không sớm có giải pháp căn cơ, ngành du lịch không biết tận dụng và tỉnh Bình Phước không sớm có chủ trương khôi phục nghệ thuật cồng chiêng của người S’tiêng cho riêng mình thì không những cồng chiêng mà cả kèn sừng trâu, đàn đinh jut, đàn bầu của người S’tiêng sẽ sớm biến mất trong thinh không.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
93545

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu