Thứ 4, 17/04/2024 05:25:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:29, 23/11/2017 GMT+7

Kết cục bi thương

Thứ 5, 23/11/2017 | 08:29:00 1,017 lượt xem

BP - Nhà Lê sơ là giai đoạn đầu của triều đại nhà hậu Lê, được thành lập sau khi Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại quân đội nhà Minh. Sau đó, ông đổi tên Giao Chỉ, vốn tồn tại trong thời gian nội thuộc nhà Minh, trở về Đại Việt, quốc hiệu có từ đời Lý Thánh Tông. Thời đại Lê sơ có 10 vị hoàng đế thuộc 6 thế hệ. đây là thời kỳ các hoàng đế nhà Lê nắm trọn quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Tồn tại từ năm 1428-1527, kéo dài đúng 100 năm, triều đại này bị gián đoạn do Mạc Đăng Dung cướp ngôi và tự lập mình làm hoàng đế, sau 6 năm được tái lập với tên gọi nhà Lê trung hưng.

Minh họa: S.H

Theo sử sách, nhà Lê sơ có lệ “bất thành văn” là không lập hoàng hậu nên từ lúc khai lập vương triều đến khi mất ngôi về tay họ Mạc, trong hậu cung chỉ có 2 mỹ nhân được phong làm hoàng hậu. Trong sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn có đoạn viết về sự việc này như sau:

Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, kén chọn phi tần, tất lấy trong con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế; mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi, không có cái tệ bất chính trong chốn buồng the của đời trước. Nhưng từ vua Lê Lợi không lập vương hậu, 5 đời vua sau lấy đó làm phép thường. Các bà Cung Từ, Tuyên Từ, Quang Thục, Huy Gia đều do các vị vua sau lên nối ngôi rồi mới dâng tôn hiệu (hoàng thái hậu), chứ chưa có ngôi vị (hoàng hậu) từ trước.

Thời Lê sơ có tất cả 11 vị vua nhưng có 7 vị không lập hoàng hậu; phải đến khi anh trai của Lê Túc Tông là Lê Tuấn lên ngôi và trở thành hoàng đế thứ 8 của vương triều Lê sơ (tức Lê Uy Mục) thì lúc đó mới lập hoàng hậu. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho hay, lễ sắc phong hoàng hậu được thực hiện vào đầu năm Bính Dần (1506): Mùa xuân, trước đây, viên quản lĩnh họ Trần người làng Nhân Mục vốn là cháu ngoại của triều Trần sinh được 2 người con gái, con trưởng là Tùng, con thứ là Trúc. Vua nghe nói Tùng có sắc đẹp, chọn vào hậu cung, sinh được hoàng tử nhưng mất sớm. Sau Trúc cũng được vào hầu.

Lê Uy Mục là người hung bạo, tàn ác, lạm sát người vô tội vạ, nhẫn tâm bức hại ngay chính tổ mẫu (tức bà nội), giết nhiều hoàng thân tôn thất, các đại thần quan lại nên có biệt danh là “Quỷ vương”. Tháng 10-1509, hoàng thân Lê Oánh được một số đại thần phò giúp đem quân từ Thanh Hóa đánh ra Thăng Long, bắt được Lê Uy Mục ép phải uống thuốc độc mà chết. Trong cảnh hỗn loạn, Hoàng hậu Trần Thị Tùng lánh đến xã Hồng Mai (Kẻ Mơ), huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) ẩn náu ở nhà người dân, nhưng rồi biết khó thoát được bèn thắt cổ tự tử, khi đó hoàng hậu chưa tròn 20 tuổi.

Hoàng thân Lê Oánh (Lê Tương Dực) lên ngôi là vị vua thông minh, tài giỏi, có khí phách nhưng có điểm xấu là ưa thích phô trương bằng những công trình xa hoa, lại rất háo sắc. Để thỏa mãn sắc dục, Lê Tương Dực ngoài tuyển chọn mỹ nữ còn bắt cung nhân triều vua trước vào cung để thông dâm nên có biệt danh là “Trư vương” (vua Lợn). Trong số những người đẹp, Lê Tương Dực rất sủng ái Nguyễn Thị Đạo, quê ở huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), lập làm Khâm Đức hoàng hậu.

Đêm 6-4-1516, các đại thần đứng đầu là Trịnh Duy Sản, Trình Chí Sâm, Lê Quảng Độ làm binh biến, đánh vào hoàng cung. Vua Lê Tương Dực bỏ chạy đến trước cửa nhà Thái Học (tức Quốc Tử Giám) thì bị quân nổi loạn đâm chết, đem xác thiêu ở trước quán Bắc Sứ. Khâm Đức hoàng hậu nghe tin dữ liền sai thị nữ trang điểm thật đẹp rồi tự nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà chết.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép lại sự việc này như sau: Quan quân đem 2 quan tài vua và hoàng hậu về an táng ở Nguyên Lãng, thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau truy tôn thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu, triều đình cho lập điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Ha, tỉnh Thái Bình) để làm nơi thờ cúng. Hoàng hậu là người có địa vị cao quý còn có số phận bi thương như vậy thì những bậc phi tần, cung nữ khác không có mấy người thoát được cảnh đau thương.

Lời bàn:

Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, các đế vương sau khi lên ngôi thường sắc lập hoàng hậu, đó là những người không chỉ có nhan sắc diễm lệ mà phải có đức hạnh, công bằng, giữ gìn lễ phép cẩn thận. Song, như lời người xưa rằng “Hồng nhan bạc phận”, thì quả là cuộc đời và số phận 2 hoàng hậu đầu tiên nhà hậu Lê có một kết cục buồn, nó gắn với chính số phận của chồng họ là 2 vị hoàng đế. Cả 2 ông vua này vì dục vọng cá nhân mà quên đi trọng trách của mình, khiến dân chúng lầm than, chính quyền của vương triều hậu Lê lâm vào khủng hoảng, suy yếu trầm trọng và đứng trước bờ vực suy vong.

Cuộc đời của hoàng hậu Trần Thị Tùng và Nguyễn Thị Đạo có nhiều thăng trầm và bi thảm thuộc hàng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, 2 bà vẫn giữ được phẩm cách của bậc “mẫu nghi thiên hạ”, tài năng và đức hạnh của họ mãi được người đời ghi nhớ, ca tụng, lưu truyền. Đó là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam nói chung và phụ nữ nước nhà nói riêng.

N.D

  • Từ khóa
109986

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu