Thứ 6, 29/03/2024 16:53:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:02, 28/07/2014 GMT+7

Kết quả hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh

Thứ 2, 28/07/2014 | 11:02:00 1,548 lượt xem

BPO - Tại kỳ họp lần thứ 9, khóa VIII, thường trực HĐND tỉnh đã có báo cáo số 189/BC-HĐND về kết quả hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp thứ tám và thứ chín. Hội nghị chất vấn về tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản khối tỉnh và giải pháp trả nợ; tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Hội nghị diễn ra đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn và dân chủ. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung chính trong báo cáo này:


UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm đầu tư có trọng điểm; thống nhất đầu mối quản lý đối với khu di tích lịch sử núi Bà Rá; bố trí phân bổ nguồn vốn phục vụ các mục tiêu văn hóa của tỉnh

* Hội nghị đã chất vấn nội dung thứ nhất về tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải pháp trả nợ.

Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền UBND tỉnh báo cáo tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải pháp trả nợ. Về tình hình nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản đến hết Quý I/2014 như sau: Tổng số vốn xây dựng cơ bản khối tỉnh còn nợ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã quyết toán là 6,167 tỷ đồng, tổng số vốn đề nghị quyết toán của chủ đầu tư là 29,496 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này do một phần không có nguồn vốn giải ngân, một phần do các chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục thanh toán do chờ hết thời gian bảo hành. Về các dự án đã được phê duyệt trong thời gian dài (từ năm 2009 đến năm 2013) nhưng chưa được bố trí vốn (37 dự án, với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng) nguyên nhân do thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách địa phương bị hạn chế nên chưa bố trí được.

Các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và giải trình.

Có 7 lượt ý kiến của đại biểu chất vấn giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề: Tính chính xác của số liệu nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản, giải pháp trả nợ trong thời gian tới, việc đối ứng vốn của tỉnh với các dự án, việc xử lý các dự án đã được phê duyệt trong thời gian dài nhưng chưa được bố trí vốn, việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 của Thủ tướng chính Phủ… các giải pháp bố trí trả nợ, từng bước dứt điểm nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; rà soát các dự án được phê duyệt trong thời gian dài nhưng chưa được bố trí vốn để điều chỉnh hoặc loại bỏ; trách nhiệm của người đứng đầu Sở Kế hoạch và đầu tư trong việc tham mưu phê duyệt các dự án trong khi không bố trí được vốn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình các ý kiến chất vấn của đại  biểu, cụ thể:

Về bố trí vốn trả nợ tương xứng với tình hình nợ đọng: vốn bố trí tập trung  trả nợ dựa trên số liệu nợ đã quyết toán, đối với các dự án hoàn thành, chưa quyết toán, chủ yếu đã được ghi vốn các năm trước, chuyển sang năm sau. Thủ tục thanh toán đã đơn giản, các đơn vị làm việc trực tiếp với kho bạc, không phải qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Về tình hình chậm quyết toán các dự án đã hoàn thành: Trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư, thời gian qua một số chủ đầu tư chậm thanh toán, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần, thời gian tới sẽ tham mưu các biện pháp tiếp theo.

Về tình hình thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 của Chính phủ: tình hình nợ luôn thay đổi theo khối lượng công trình nên việc bố trí vốn trả nợ không thể theo kịp. Quá trình điều hành vẫn phải bố trí vốn đầu tư mới mức tối thiểu cho lĩnh vực giáo dục và khoa học - công nghệ, hoặc một số dự án có tính cấp bách.

Về tham mưu UBND tỉnh trong việc hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bằng nhiều văn bản, đề xuất biện pháp xử lý nợ đọng như: đảm bảo dự án thực hiện trong phạm vi vốn được giao, cấm các đơn vị tự bỏ vốn triển khai thi công trước khi chưa được bố trí vốn.

Các giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng: ưu tiên thanh toán các dự án đã quyết toán, tuy nhiên một số dự án cần giữ lại tỷ lệ nhất định để bảo đảm công tác bảo hành.

Về công tác báo cáo tình hình nợ đọng: xây dựng cơ bản đối với các bộ,  ngành trung ương: Sở thực hiện tốt công tác báo cáo.

Về các dự án đã phê duyệt đang trong quá trình triển khai thực hiện: Tuy không nằm trong nội dung chất vấn, nhưng đại biểu dành sự quan tâm, sở sẽ tổng hợp báo cáo sau bằng văn bản.

Về các dự án đã phê duyệt nhưng chưa bố trí vốn, đến nay giá trị dự án phát sinh, nhiều dự án đã hết hạn: hướng xử lý các dự án này là rà soát lại, nếu dự án 3 không còn tính khả thi, không thật sự cấp thiết thì loại bỏ, hoặc chuyển đổi phương thức đầu tư… Thời gian tới sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý vấn đề này.

Về số liệu nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của cấp huyện: Sở sẽ rà soát lại và báo cáo sau.

Về một số dự án chưa bố trí vốn đã tiến hành khởi công, trong đó có dự án vốn trái phiếu Chính phủ: dự án đã hoàn thành thì phải tiến hành quyết toán, riêng đối với một số dự án vốn trái phiếu Chính phủ, vốn địa phương phải quyết toán, tuy nhiên số lượng này rất ít.

Về số lượng dự án vốn trái phiếu Chính phủ phê duyệt nhiều nhưng không có vốn: việc này nhằm đón đầu nguồn vốn trung ương, tuy nhiên nếu hết hạn không có vốn thì rà soát, loại bỏ.

Về xử lý dứt điểm nợ: với số nợ hiện tại, năm nay có thể xử lý xong, tuy nhiên nợ luôn phát sinh nên việc dứt điểm rất khó, khả năng kế hoạch 2015 sẽ không đạt.

Về vốn đối ứng các dự án Trung ương: các dự án Trung ương, tỉnh phải đối ứng theo yêu cầu, các chương tình hỗ trợ mục tiêu của trung ương theo tiêu chí của địa phương luôn đảm bảo. Tuy nhiên, vốn đối ứng chủ yếu từ nguồn phân cấp ngân sách, phụ thuộc vào thu ngân sách do đó nhiều khi đối ứng chậm. Riêng dự án của Hội Nông dân không nằm trong mục tiêu hỗ trợ, nếu có nhu cầu đối ứng vốn phải có văn bản gửi UBND tỉnh, nếu đã có văn bản gửi, trách nhiệm thuộc Phòng văn xã - Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ghi nhận ý kiến của đại biểu, sở sẽ kiểm tra, rà soát lại.

Về tình hình quyết toán nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn mới: Do tình hình ngân sách năm 2013 và 2014 rất khó khăn, việc giải ngân vốn rất khó, ngay cả khi đã đầy đủ thủ tục, tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản rất thấp.

Về trách nhiệm để nợ đọng: Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư. Dự án đã quyết toán nhưng còn nợ, trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thời gian tới, sở sẽ rút kinh nghiệm và đề xuất UBND tỉnh giải pháp khắc phục, trước mắt bổ sung 8 tỷ đồng thanh toán nợ trong dự toán ngân sách năm 2014.

Hội nghị chất vấn tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền UBND tỉnh báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, ngành văn hóa đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc song song với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế; Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc. Qua đó, hệ thống cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, hệ thống di tích, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy với 11 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh, ngoài ra còn có 60 di tích đủ điều kiện xếp hạng đã được đưa vào kiểm kê, định hướng bảo tồn và thống kê 71 lễ hội. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, định kỳ tổ chức liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số 2 năm/lần. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được quan tâm triển khai thực hiện. Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng - sóc Bom Bo đã hoàn thành một số hạng mục cơ bản. Bên cạnh đó công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và giải trình.

Có 8 đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về các vấn đề: Công tác thực hiện quy hoạch ngành, sự dàn trải trong công tác đầu tư các công trình văn hóa; tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của ngành; công tác quản lý và bảo vệ di tích có những hạn chế, chưa thống nhất đầu mối quản lý di tích (cụ thể với di tích núi Bà Rá) dẫn đến việc khai thác không hiệu quả hoặc di tích bị xâm lấn; nguyên nhân di tích đã kiểm kê nhiều nhưng chỉ số ít được lập hồ sơ công nhận; việc giảng dạy chuyên đề văn hóa dân tộc thiểu số bản địa cho học sinh dân tộc thiểu số chưa thực hiện được; Việc phân cấp quản lý và trách nhiệm của các cấp trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa còn chậm; việc ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giải trình các ý kiến chất vấn

của đại biểu như sau: Về tiến độ và giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch đến năm 2015: Thời gian qua, do suy giảm kinh tế nên nguồn lực đầu tư cho văn hóa khó khăn, kết quả cụ thể sẽ có báo cáo bằng văn bản.

Về một số chỉ tiêu cụ thể đến 2015 như xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, cổ động, biểu diễn nghệ thuật, chiếu bóng, thư viện hàng năm đều đạt chỉ tiêu. Do đó, đến năm 2015 sẽ đạt theo quy hoạch.

Về kết quả thực hiện các thiết chế văn hóa: Ở cấp tỉnh, sau khi đầu tư Trung

tâm văn hóa tỉnh, Sở đã tham mưu đưa Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh vào hoạt động chung trong Trung tâm văn hóa tỉnh, dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thành. Về Trung tâm văn hóa, thể thao ở xã sẽ đạt khoảng 40% theo kế hoạch (trong đó có 20 xã nông thôn mới); 50% thôn, ấp xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao. Về thể dục thể thao quần chúng và thành tích cao các chỉ tiêu điều thể đạt, công trình xây dựng nhà thi đấu đa năng tỉnh có thể đạt nếu có sự hỗ trợ nguồn vốn từ Tập đoàn cao su Việt Nam. Về lĩnh vực du lịch do suy giảm kinh tế nên việc khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư có những khó khăn, hạn chế, các dự án phát triển du lịch chậm tiến độ, do đó đối với lĩnh vực này nhiều khả năng không đạt.

Về giải pháp: Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Củng cố, bổ sung phát triển nhân lực, có giải pháp thu hút vốn đầu tư, sắp tới sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó quan tâm đầu tư đội bóng đá tỉnh (thăng hạng nhất năm 2015) với số tiền khoảng 15 tỷ/năm.

Về tiến độ các dự án trọng điểm:

Khu di tích lịch sử Tà Thiết: Các di tích gốc vẫn còn nguyên vẹn và được tu bổ hàng năm. Hiện nay, sở đang lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vùng lõi khu di tích (380 ha) để thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và xin chủ trương đầu tư các hạng mục chính với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo: Được phê duyệt quy hoạch từ năm 2010 với diện tích 113 ha, số vốn đầu tư 289 tỷ, tuy nhiên đến nay mới bố trí nguồn kinh phí thực hiện được 40 tỷ. Do quy mô dự án lớn, một số hạng mục chưa phù hợp nên hiệu quả không cao, qua tham quan các mô hình làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và một số dự án khác, sở sẽ tham mưu trình UBND tỉnh giảm quy mô xuống cho phù hợp. Dự kiến đến 2015, sẽ hoàn thành giai đoạn I nếu được bố trí vốn.

Về tình hình thực hiện các dự án dàn trải, thiếu định hướng: Các dự án đều nằm trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh có mục tiêu, định hướng cụ thể, tuy nhiên do không đủ kinh phí nên triển khai chậm.

Về ứng dụng các đề tài khoa học: Theo chất vấn của đại biểu về ứng dụng Bộ từ điển Việt - S’tiêng, đây là nhiệm vụ của Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh. Đối với lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, ngành đã triển khai 1 đề tài cấp tỉnh về lĩnh vực khảo cổ học từ ngân sách khoa học tỉnh và các đề tài phục dựng các lễ hội truyền thống nhằm nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.

Về nguồn vốn thực hiện các thiết chế văn hóa, dự án: Chủ yếu vẫn là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Ngoài ra đề nghị UBND tỉnh vận động từ các nguồn của các công ty, các doanh nghiệp đóng góp.

Về quản lý và khai thác khu di tích núi Bà Rá hiện nay nhiều đơn vị, tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực tham gia, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thống nhất đầu mối quản lý với mô hình Ban quản lý di tích núi Bà Rá trong thời gian tới.

Các di tích đã được thống kê nhưng được công nhận ít: Việc quản lý di tích liên quan đến quyền sử dụng đất. Một số di tích nằm trên đất đã được cấp, giao cho hộ gia đình, cá nhân, nếu được công nhận di tích, việc tác động phải theo quy trình xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Do đó các đối tượng liên quan không muốn lập hồ sơ công nhận. Ngoài ra, do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực nên việc thực hiện khó khăn. Trong thời gian tới, Sở  Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xin chủ trương, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể.

Về nội dung hướng dẫn xây dựng và thực hiện đề án bảo tồn văn hóa các huyện: Sở sẽ có ý kiến về chuyên môn khi có yêu cầu của địa phương.

Về triển khai dạy văn hóa dân tộc trong trường học theo Nghị quyết số 18/2010/NQ-HĐND: Trách nhiệm chính của Sở Giáo dục - Đào tạo; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp khi có yêu cầu.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời, ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm, cụ thể: Đề nghị các sở cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn, những vấn đề đại biểu và chủ tọa yêu cầu để đề ra giải pháp thực hiện cho tốt, cụ thể:

Về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản: cần phân tích rõ khái niệm nợ đọng là các dự án đã quyết toán. Các giải pháp xử lý nợ đọng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản: Cương quyết yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các dự án trong phạm vi vốn đã được phê duyệt. Rà soát các dự án chậm tiến độ, xác định nguyên nhân giải ngân chậm và tồn quỹ ngân sách; Xử lý trách nhiệm chủ đầu tư yếu kém trong điều hành quản lý dự án, đồng thời có chế tài đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ; đẩy mạnh công tác quyết toán, tất toán đối với từng dự án đầu tư theo quy định; không khởi công các dự án chưa xác định hoặc chưa bố trí đủ vốn; các dự án đã phê duyệt, sẽ rà soát để loại bỏ các dự án không phù hợp.

Về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc: Bình Phước là tỉnh đa dân tộc, văn hóa đan xen, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc luôn đặt ra yêu cầu lớn về vốn, do đó tập trung vào các dự án lớn, các khu bảo tồn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là khu bảo tồn văn hóa S’tiêng - sóc Bom Bo; khu di tích Tà Thiết. Đồng thời triển khai thực hiện các dự án khác (khu núi Bà Rá), đảm bảo sự thống nhất quản lý. Tập trung sưu tầm, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, trong đó tập trung rà soát các lễ hội, thi ca của các dân tộc,… Quan tâm thực hiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về văn hóa, đẩy mạnh thực hiện quy hoạch về văn hóa, thực hiện xã hội hóa các công trình văn hóa.

Kết luận Hội nghị của ông Nguyễn Tấn Hưng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu:

Chất vấn là hoạt động cần thiết, giúp tăng cường công tác giám sát của HĐND. Đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu kỹ nội dung, chất vấn sát với tình hình, thể hiện sự am hiểu sâu về chuyên môn. Qua chất vấn làm rõ được các vấn đề còn tồn tại, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp. Qua chất vấn đề nghị UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành rút kinh nghiệm, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành sát với tình hình thực tế và hiệu quả công việc.

Đối với công tác xây dựng cơ bản: yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh quan tâm bố trí đủ vốn cho các dự án. Yêu cầu chủ đầu tư tiến hành quyết toán, trả nợ, chỉ giữ lại tỷ lệ nhất định để bảo dưỡng, bảo hành theo đúng quy định; Các dự án đã được phê duyệt cần rà soát lại, dự án nào không đủ điều kiện thì loại bỏ, chuẩn bị tốt về điều kiện đối với các dự án còn lại để đón đầu nguồn vốn từ Trung ương, đồng thời công khai minh bạch nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Trong năm 2014, ưu tiên thanh toán xong nợ những dự án đã hoàn thành và quyết toán xong (trên 6 tỷ đồng).

Đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc: UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm đầu tư có trọng điểm; thống nhất đầu mối quản lý đối với khu di tích lịch sử núi Bà Rá; bố trí phân bổ nguồn vốn phục vụ các mục tiêu văn hóa của tỉnh; quan tâm bố trí ngân sách cho đội tuyển bóng đá của tỉnh để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được.Trên đây là báo cáo kết quả Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp thứ tám và thứ chín năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh
Nguyễn Văn Năm

  • Từ khóa
11467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu