Thứ 5, 25/04/2024 14:42:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:39, 09/05/2018 GMT+7

Khắc tinh của gian lận bảo hiểm

Thứ 4, 09/05/2018 | 08:39:00 300 lượt xem

BP - Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi gian dối được thực hiện trong quá trình tiến hành bảo hiểm bởi các bên liên quan nhằm “rút ruột” doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) để thu lợi bất chính. Dẫn đến kinh phí DNBH phải bỏ ra để đấu tranh chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và chi trả các khoản tiền bị thâm hụt do gian lận dồn lên vai cộng đồng tham gia bảo hiểm. Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cũng dẫn đến giá cả hàng hóa và dịch vụ cao hơn bởi doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ phải chuyển chi phí mua bảo hiểm vào dịch vụ, hàng hóa bán cho khách hàng.

Mặt khác, DNBH có thể áp đặt yêu cầu cao hơn khi khai thác bảo hiểm và thu hẹp phạm vi bảo hiểm để giảm bớt thiệt hại do gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Thậm chí từ chối bảo hiểm đối với những lĩnh vực dễ xảy ra gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, do phải cảnh giác với những hành vi gian lận nên DNBH sẽ điều tra kỹ khi nghi ngờ những hợp đồng có hành vi trục lợi và quy trình giải quyết bồi thường được áp dụng chặt chẽ hơn, dẫn đến việc bồi thường theo yêu cầu chính đáng người mua bảo hiểm bị chậm lại. Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm có hàng chục ngàn trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của các DNBH, làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường này. Nạn trục lợi bảo hiểm diễn ra từ khâu khai báo hồ sơ mua bảo hiểm cho đến khai báo bồi thường, xảy ra nhiều ở những trường hợp mua bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, việc xử lý gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cũng không đơn giản, bởi khi yêu cầu cung cấp thông tin về hành vi trục lợi bảo hiểm, cơ quan chức năng thường cho đây là vụ việc dân sự giữa DNBH và khách hàng, không liên quan đến cơ quan nhà nước nên không cung cấp thông tin. Mặt khác, thị trường bảo hiểm luôn sôi động, phức tạp và ngày càng cạnh tranh khốc liệt nên các DNBH đều cố gắng bảo mật thông tin, dẫn đến ít trao đổi thông tin với nhau. Hay hình thức gian lận xuất hiện ở DNBH này, nhưng DNBH khác không nắm kịp thời cũng tạo điều kiện cho trục lợi bảo hiểm.

Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, ngày 21-3-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, ngày 28-8-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2018 sẽ là khắc tinh đối với hành vi gian lận bảo hiểm. Theo đó, phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi bị phạt gồm: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Hy vọng, những hình thức xử lý quy định trong Nghị định số 48/2018/NĐ-CP sẽ góp phần hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, những chế tài nêu trên vẫn chưa đủ sức răn đe. Muốn ngăn chặn triệt để vấn nạn này, các hành vi gian lận, như tạo dựng hiện trường giả, lập hồ sơ khống, không trung thực dứt khoát phải xử lý trách nhiệm hình sự. Rất mong Chính phủ có chính sách mạnh tay hơn, thậm chí hình sự hóa một số hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm gây nguy hiểm cho xã hội mới giúp thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108864

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu