Thứ 5, 25/04/2024 21:12:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:47, 08/05/2018 GMT+7

Khắc tinh của tham ô

Thứ 3, 08/05/2018 | 09:47:00 204 lượt xem

BP - Minh Mạng (1820-1841) là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Đó là vị vua được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, là một ông vua thông minh, tài giỏi, chăm lo việc nước với mong muốn triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Sau 20 năm trị vì đất nước, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Về mặt kiến thiết, vua Minh Mạng tiến hành cuộc đại trùng tu quy mô ở kinh thành và hoàng thành Huế. Nhiều cung điện, đền đài, miếu được xây dựng mới. Một số cung điện cũ cũng được mở rộng, chỉnh trang, làm gia tăng nhu cầu bài trí nội - ngoại thất các cung điện này.

Minh họa: S.H

Bên cạnh đó, vua Minh Mạng luôn luôn ý thức được vị trí và trách nhiệm lịch sử của mình. Ông từng có ý thức tự hoàn thiện tài năng và nhân cách để sẵn sàng gánh vác trọng trách vua cha giao phó. Trong những ông vua triều Nguyễn, Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị. Đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh; người nào tham ô của công cho dù người đó làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi cả pháp luật. Và nội dung của vụ án sau đây là một minh chứng.

Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn viết rằng, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), quân lính tỉnh Quảng Ngãi áp giải 42 phạm nhân đi đường thủy đến đồn điền thành Trấn Tây để làm lao động khổ sai. Tuy nhiên, lính canh giữ lại chỉ có 13 người. Viên suất đội Nguyễn Văn Lực lại ăn của đút lót nên cho 6 người lính nghỉ việc. Do lực lượng mỏng, khi thuyền mới đến cửa biển Cầu Huân (tỉnh Khánh Hòa) để nhận thêm củi, nhóm phạm nhân đã đánh, đẩy các lính canh xuống nước cướp thuyền trốn đi.

Sự việc được báo đến tai vua. Nguyễn Văn Lực phải chịu tội thắt cổ. Triều đình giao bộ Hình tìm cách bắt lại những kẻ này. Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Hà Tiên, ai bắt được cả bọn sẽ nhận thưởng 300 quan tiền, bắt được 1 người cũng được thưởng hậu. Lệnh còn nêu rõ, người nào chứa chấp, che giấu cũng phải chịu tội như những kẻ bỏ trốn. Vua Minh Mạng dụ bộ Hình rằng: Lũ tù phạm ấy phần nhiều là tội lưu được khoan hồng giảm tội phát đi làm binh, sung vào đồn điền thành Trấn Tây có đất để ở, có ruộng làm ăn, có khổ sở gì đâu mà lại trái mệnh lệnh, tự nhận lấy cái vạ chết cả họ.

Sau đó, đề phòng các sự việc tương tự, nhà vua truyền chỉ cho các tỉnh từ Thừa Thiên đến Bình Thuận, khi áp giải tù nhân đến thành Trấn Tây đều phải khóa xích cẩn thận. Số binh lính làm nhiệm vụ phải tương đương với số tù nhân, không để xảy ra việc bất trắc vì thiếu người. Các tướng giữ thành Trấn Tây khi tiếp nhận tù nhân phải tính toán chia đều về các địa phương, không cho tụ cả một nơi. Chỉ dụ nêu rõ: Xét thấy đứa nào không yên bản phận, gian dối hoặc có lòng bất trắc, cho chém trước rồi tâu.

Triều đình cũng thông báo mỗi lần điều binh lính, người phụ trách phải tự kiểm tra quân số, thiếu 1 người sẽ bị trừng trị. Quan được giao trách nhiệm mà lơ là trong việc này sẽ bị trị tội nặng. Sau đó ít lâu, triều đình đã cách chức viên quan án sát tỉnh Quảng Ngãi là Đặng Kim Giám với lý do để “xảy ra tù phạm đánh lính áp giải, làm việc vấp váp, kiến thức tầm thường, khó mong làm nên công trạng”. Dụ của vua Minh Mạng còn phê rằng: Đặng Kim Giám có công nhỏ, được cất nhắc đến chức quan đầu tỉnh, thế mà chưa làm được mấy điều tốt, bừa bãi có tiếng, lầm lỗi rất nhiều, nhiều lần tạm phạt nhẹ, chưa nỡ đuổi ngay.

Lời bàn:

Từ xưa, thưởng và phạt là phép lớn của các triều đại phong kiến. Mạng sống của dân, kỷ cương của nước đều quan hệ ở đó cả. Khổng Tử nói: “Hình phạt không nhằm phép thời dân không có chỗ thò tay thò chân”. Mạnh Tử nói: “Người trên không theo lẽ thẳng, người dưới không giữ phép luật, cái nước như thời thế nào cũng phải mất”. Và từ xưa đến nay, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Vấn đề là ở chỗ cách diệt trừ tệ nạn tham ô của công như thế nào.

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra 4 nguy cơ, trong đó có: Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng. Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Và thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

N.D

  • Từ khóa
110038

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu