Thứ 6, 26/04/2024 00:39:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:49, 22/03/2019 GMT+7

Khách hàng phải luôn là “thượng đế”

Thứ 6, 22/03/2019 | 08:49:00 135 lượt xem
BP - Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nông thôn ở Bình Phước diễn ra khá nhanh. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 58,03 triệu đồng, tăng 9,38% so với năm 2017; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 43.500 tỷ đồng, tăng 15,12% so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn, từ đó hình thành thị trường tiêu thụ hàng hóa đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có sự chênh lệch cung - cầu khá lớn giữa thị trường bán lẻ thành thị và nông thôn. Thực tế ở Bình Phước cho thấy, người dân nông thôn thường có thói quen mua hàng dựa vào lòng tin; ưa thích mua hàng tiêu dùng ở các chợ truyền thống; ưu tiên mua hàng theo mức độ quan hệ thân thiết. Mặt khác, do hạn chế về tiếp cận nguồn thông tin nên phần lớn người tiêu dùng ở nông thôn vẫn chịu ảnh hưởng không ít từ quảng cáo trên các kênh truyền hình hay qua người thân, bạn bè giới thiệu. Cùng với đó, địa bàn nông thôn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn, các loại nhu yếu phẩm cần thiết thường được người dân mua một lần để sử dụng trong thời gian dài, còn nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu tự cung, tự cấp hoặc được các xe bán hàng lưu động cung cấp. Ngoài ra, khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng là yếu tố quan trọng, tác động đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở nông thôn. Họ sẵn sàng mua những mặt hàng thiết yếu giá rẻ, nhất là những sản phẩm mới, lạ và nhiều công dụng.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở nông thôn đã có xu hướng đòi hỏi những sản phẩm tiêu dùng cao cấp. Họ từng bước bắt nhịp với tốc độ đô thị hóa thông qua sự phát triển của nhiều khu công nghiệp cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp và sự phổ cập mạnh mẽ của công nghệ nghe nhìn hiện đại. Qua đó, dự báo thị trường bán lẻ ở nông thôn sẽ là mảnh đất rất màu mỡ với những doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Những rào cản nêu trên chính là lực cản lớn đối với doanh nghiệp bán lẻ đã chuyên nghiệp hóa theo phương thức giao dịch hiện đại ở các đô thị nếu không có sự thay đổi kịp thời.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3), các cấp và ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa bảo đảm chất lượng; khuyến khích các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ trên địa bàn thực hiện các hoạt động bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm... góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, cơ chế đặc quyền thị trường không còn tồn tại. Muốn khai thác triệt để thị trường hàng hóa ở nông thôn, bên cạnh sự chung tay của các cấp và ngành chức năng thì hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bán lẻ của Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng phải tìm mọi cách thích nghi. Trong đó yếu tố tiên quyết là phải đa dạng hóa chủng loại hàng hóa với giá cả phù hợp; tăng cường hơn nữa các hoạt động quảng bá, đưa hàng Việt về nông thôn và phải luôn coi “Khách hàng là thượng đế!”.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu