Thứ 3, 23/04/2024 16:30:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:06, 22/07/2016 GMT+7

Khách hàng sẽ loại bỏ những kẻ làm ăn chụp giựt

Thứ 6, 22/07/2016 | 10:06:00 107 lượt xem

BPO - Mấy ngày qua, sự kiện cơ quan chức năng giám định hai sản phẩm bò viên của công ty Việt Sin nhưng chỉ thấy ADN của cá và trâu chứ tuyệt nhiên không thấy bò; đồng thời phát hiện cả 4 mẫu bò viên của công ty này đều chứa hàm lượng urê cao đã làm cho người tiêu dùng bất bình. Đoàn kiểm tra còn phát hiện Việt Sin dùng chất phụ gia caramen để tạo màu cho sản phẩm và sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng. Sự bất bình càng lớn bởi bấy lâu nay, Việt Sin là một thương hiệu lớn, là “hàng Việt Nam chất lượng cao” trong làng kinh doanh thực phẩm. Vậy mà công ty này đã lừa dối khách hàng tới hai lần, bởi không chỉ gian dối về tỷ lệ nguyên liệu trong từng sản phẩm, không bảo đảm ATVSTP mà công ty còn “ém nhẹm” việc sử dụng chất phụ gia caramen tạo màu cho sản phẩm. Được biết từ năm 2013 - 2016, Việt Sin đã có tới 116 mặt hàng đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Và không biết đã có bao nhiêu sản phẩm được công ty này “hóa phép” cá, trâu thành bò để đưa đến tay người tiêu dùng! Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về sự gian dối của công ty Việt Sin, lập tức tất cả hệ thống siêu thị trên cả nước đã đồng loạt thu hồi tất cả các sản phẩm của công ty này.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên các công ty chế biến thực phẩm bị phát hiện không đảm bảo VSATTP và vi phạm các nguyên tắc kinh doanh. Trước đây, cơ quan chức năng từng phát hiện xúc xích của công ty Vietfood có chứa chất gây ung thư, hay vụ công ty Vissan từng bị phát hiện bán sản phẩm đã quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối. 14 năm trước, sau sự cố Vedan xả thải giết chết sông Thị Vải, suốt những năm qua nhiều người tiêu dùng trong nước đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Vedan. Không chỉ các bà nội trợ tẩy chay mà nhiều siêu thị cũng “nói không” với Vedan khi hãng bột ngọt này vi phạm tiêu chí phát triển bền vững. Như vậy, sự trả giá của Vedan không chỉ là phải nộp phạt, phải đền bù cho nông dân mà lớn hơn cả chính là sự quay lưng của khách hàng!

Trong kinh doanh, thương hiệu là sự sống còn của doanh nghiệp. Và để xây dựng được thương hiệu, trong đó có mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, thương hiệu của mỗi công ty lại càng quan trọng hơn. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung cho việc làm ra những sản phẩm chất lượng, giá phải chăng để đưa đến người tiêu dùng mà còn phải tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và văn hóa doanh nghiệp đang được coi là một loại tài sản vô hình. Loại tài sản này có thể đưa doanh nghiệp ngày càng làm ăn phát đạt, nhưng cũng có thể nhanh chóng đưa doanh nghiệp đến phá sản.

Đáng buồn là chúng ta đã ký kết hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương TPP, thế nhưng trong giới kinh doanh hiện nay vẫn có không ít những người kinh doanh theo kiểu chụp giật, không lo xây dựng hình ảnh doanh nghiệp mà chỉ chú tâm làm giàu nhanh bằng mọi thủ đoạn. Cũng như Vedan và nhiều doanh nghiệp kinh doanh không minh bạch, lành mạnh khác, kể từ nay Việt Sin sẽ phải rất vất vả để tạo dựng lại lòng tin nơi khách hàng. Bởi không ai khác, chính khách hàng sẽ loại bỏ những kẻ làm ăn theo kiểu chụp giựt.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu