Thứ 6, 29/03/2024 20:22:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:20, 01/05/2015 GMT+7

Nâng niu giá trị của hòa bình

Thứ 6, 01/05/2015 | 06:20:00 1,789 lượt xem
BPO - “Đứng đây, lúc này, cảm xúc của tôi vẫn vẹn nguyên như thời điểm 40 năm trước. Một cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả được, cứ lâng lâng, rộn ràng”, ông Nguyễn Văn Xuyệt (81 tuổi), nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (hiện ở 228/36 Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM) nói với chúng tôi trong khi chờ xem diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Người dân quận Bình Thạnh cổ vũ đoàn diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn

Chung một niềm vui

Mới 5 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Ba (84 tuổi, ngụ 127/103/22 Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình) đã hăm hở kêu cậu con trai út chở lên trung tâm thành phố để tìm vị trí chờ được xem diễu hành, chứ nhất định không chịu ở nhà xem trực tiếp qua ti vi. Tương tự như bà Ba, từ sáng sớm tinh mơ, hàng ngàn người dân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước và nhiều địa phương khác đã đổ về các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố để xem diễu binh, diễu hành. 7 giờ, khi lễ mít tinh bắt đầu, lượng người tràn vào các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Pasteur, Cách Mạng Tháng Tám, Bà Huyện Thanh Quan… ngày càng đông.

Được xem các đoàn diễu binh đi qua, nghe lãnh đạo đất nước ôn lại những chiến công lẫy lừng trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, trên gương mặt, ánh mắt từ người già, thanh niên đến trẻ em đi cùng cha mẹ đều toát lên nét hớn hở, tươi vui.

8 giờ 45 phút, đoàn mít tinh diễu hành đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn, hàng trăm người dân đi bộ tại khu vực đó hào hứng chụp ảnh, quay phim. Chen chân trong nhóm đông có bác sĩ Nguyễn Thị Phúc, sống tại quận 1, đi cùng 2 con trai (4 và 8 tuổi). Các cháu tuy nhỏ tuổi nhưng đã hát được các bài về cách mạng như Tiến quân ca, Giải phóng quân một cách rành rọt. Chị Phúc cho biết: “Tôi tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, đánh thắng cả đế quốc Mỹ hùng mạnh. Tôi muốn con mình hiểu được chuyện đó từ nhỏ, để cháu lớn lên càng thêm yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, góp sức xây dựng đất nước giàu đẹp”.

Trong không khí nô nức của người dân thành phố, chúng tôi gặp gia đình chị Nguyễn Thị An Dao (ngụ tại Sóc Trăng). Chị cho biết năm nào cũng vậy, vào dịp lễ 30-4, vợ chồng chị đều dẫn 2 con lên TPHCM để vui chơi và giúp con hiểu hơn về ngày giải phóng đất nước. “Những chuyến đi thế này, các con tôi học hỏi được nhiều hơn về lịch sử và cuộc sống. Tôi dự định sau lễ mít tinh, người dân được vào khu vực Hội trường Thống Nhất, tôi sẽ đưa các con tham quan, sau đó đến phố đi bộ đường Nguyễn Huệ và nhiều nơi khác nữa”, chị An Dao chia sẻ.

Động lực để tiếp bước

Bình thường cha con ít có thời gian trò chuyện vì anh thường phải theo công trình ở các tỉnh xa, sáng qua 30-4, kỹ sư trẻ Phạm Văn Thắng tình nguyện thay em trai chở bố đi dự lễ. Len lỏi lên khu trung tâm xem diễu binh, Thắng kể: “Tôi sinh sau giải phóng nhiều năm, không có ký ức về chiến tranh. Nhưng qua lời kể của bố tôi, của các bác đồng đội của bố và lần đầu tiên xem trọn vẹn một lễ diễu binh như thế này, tôi hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đáng ghi nhớ của thành phố và dân tộc mình. Tôi rất đỗi tự hào! 40 năm trôi qua đủ để chúng ta cảm nhận đầy đủ ý nghĩa giá trị của thắng lợi. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm xây dựng và phát triển quê hương đang nằm trên đôi vai những người trẻ chúng ta. Tinh thần và sức mạnh ngày 30-4 đang cổ vũ, thôi thúc mỗi chúng tôi!”.

Ở góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai, không khí trong ngày lễ trọng đại cũng sôi nổi không kém. Rất đông các bạn trẻ là đoàn viên thanh niên, tay cầm cờ Tổ quốc hô vang “Tôi yêu Việt Nam”. Còn tại ngã tư Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần, nơi có Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, dù chưa đến giờ mở cửa nhưng xe và khách tham quan đã tụ tập đứng chờ rất đông. Em Trần Phúc Anh, học sinh lớp 5 trường Hùng Vương, quận 6, đi cùng mẹ và em trai chờ vào tham quan. Em khoác trên người chiếc áo đỏ in sao vàng, còn em trai 7 tuổi cũng tự hào mặc chiếc áo in hình bản đồ đất nước hình chữ S và dòng chữ “Tôi yêu”.

Em Phúc Anh cho biết, ở trường em đã được học về các chiến thắng hào hùng của ông cha, được nghe kể các trận đánh lịch sử nên muốn được đi tham quan Bảo tàng để hiểu thêm. “Con mong muốn sẽ không có chiến tranh, mọi nơi trên thế giới đều hòa bình và ai cũng sống vui vẻ”, Phúc Anh hào hứng chia sẻ.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
13031

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu