Thứ 6, 19/04/2024 23:16:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 05:00, 14/02/2018 GMT+7

Khẩn cấp bình tuyển giống tiêu

Thứ 4, 14/02/2018 | 05:00:00 141 lượt xem

BP - “Nếu Bình Phước không khẩn cấp bình tuyển và công nhận giống tiêu địa phương thì sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh hồ tiêu cho tỉnh nhà. Bởi lẽ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai rầm rộ những mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ mà nguồn gốc cây giống từ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cận kề Bình Phước, người dân tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai trồng và quảng bá giống tiêu nổi trội về năng suất, chất lượng cũng có nguồn gốc từ Lộc Ninh. Cả nước hiện vẫn chưa có tỉnh nào được công nhận giống tiêu địa phương. Do vậy, tỉnh nào nhanh tay sẽ xây dựng được bộ giống cho mình trên đường xây dựng thương hiệu hồ tiêu để hội nhập thị trường quốc tế” - Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

6 NĂM ĐEO ĐUỔI GIỐNG

Mùa mưa năm 2012, nhà nông Đặng Văn Tuấn, ấp 8, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) nhập nội gần 50 hom giống tiêu mới. Sau 1 năm canh tác, giống tiêu nhập nội tỏ ra khá thích hợp trên vùng đất Lộc Thuận. Năm tiếp theo, những cây giống nhập nội bắt đầu cho trái trong sự ngỡ ngàng của người trồng tiêu trong vùng. Gié tiêu dài 20cm, trái to hơn hẳn so với những giống tiêu địa phương trước đây. Năng suất mỗi nọc tiêu đạt đến 6kg, rồi lên đến 10kg theo mùa vụ.

Thạc sĩ Võ Đình Khánh (phải) cùng nhà nông Đặng Văn Tuấn kiểm tra độ dài của gié tiêu giống mới tại vườn

Ngoài nổi trội về năng suất, sự sinh trưởng, sức kháng bệnh của giống tiêu mới cũng tỏ ra khá mạnh so với giống tiêu khác trên cùng diện tích canh tác. Cùng với việc nhân giống cho gia đình, nhà nông Đặng Văn Tuấn còn bán ra thị trường với mức giá có lúc 2 triệu đồng/dây. Tiếng lành về giống tiêu của anh đồn xa, các nhà trồng tiêu từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đến các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng cũng tìm về nhà anh mua tiêu giống. Bằng nguồn kinh phí bán giống, anh có điều kiện tái đầu tư và mở rộng diện tích giống tiêu mới. Hiện giống tiêu mới của anh Tuấn đã lên đến 1.500 nọc.

Trong chuyến kiểm tra tình hình chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh, các cán bộ thuộc Trung tâm Giống, nay là Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh phát hiện hồ tiêu của nhà nông Đặng Văn Tuấn hơn hẳn quần thể giống tiêu của tỉnh Bình Phước từ trước đến nay. Từ đó, các cán bộ thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bắt đầu cuộc hành trình theo dõi về đặc điểm sinh trưởng, hình thái, năng suất và chất lượng của giống tiêu này. Sau 5 năm theo dõi, đánh giá hồ tiêu của hộ anh Tuấn cho ra kết quả năng suất cao gấp 2 lần so với giống địa phương, tính kháng bệnh cao và có thể trồng được ngay trên những vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh trước đây. Cây bắt đầu cho trái từ năm thứ 2, tỷ lệ hoa lưỡng tính trên 90%, tỷ lệ thụ phấn trên 95% và cho năng suất ổn định từ năm thứ 5.

TÍNH CẤP THIẾT CỦA THƯƠNG HIỆU GIỐNG

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là 14.500 ha. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã trên 15.000 ha với năng suất bình quân 2,7 tấn/ha. Hơn 15 năm qua, Bình Phước được xem là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng thành công thương hiệu chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Lộc Ninh cách đây 3 năm. Thế nhưng việc phát huy thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng và của cả tỉnh nói chung lại là câu chuyện dài của các cơ quan hữu quan. Mới đầu năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định thành lập hội đồng bình tuyển giống hồ tiêu ưu tú (vườn cây đầu dòng) trên cơ sở đề nghị của Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Hiện tại, các thành viên trong hội đồng bình tuyển giống tiêu ưu tú đang hoàn tất số liệu để trình UBND tỉnh công nhận giống tiêu địa phương.

Thạc sĩ Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, thành viên hội đồng bình tuyển cho rằng: Việc xác lập, công nhận được giống tiêu địa phương có ý nghĩa rất lớn trong quá trình xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của hội đồng bình tuyển giống là giúp nông dân quản lý được giống, áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ mang tính bền vững để tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi cung ứng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Cây giống là cơ sở pháp lý, là điều kiện tiên quyết có tính chất quyết định đến chuỗi giá trị của sản phẩm. Do vậy, ngoài đẩy nhanh tiến độ công nhận giống tiêu địa phương, còn phải tăng cường công tác quản lý giống thật sự hiệu quả. Điều đó vẫn chưa đủ nếu chúng ta bỏ qua quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững cho người trồng tiêu.

Qua nhiều năm canh tác bằng lợi thế về năng suất và chất lượng, nhà nông Đặng Văn Tuấn đã bán ra thị trường ngoài tỉnh với số lượng giống không ai kiểm soát được. Hiện tại, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng vùng nguyên liệu. Các nhà nông tỉnh Bình Dương thì tăng cường quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước bằng chính giống tiêu của nhà nông Đặng Văn Tuấn tại ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh. Thực tế này đang đặt ra cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước khẩn cấp xác lập giống tiêu địa phương nếu không muốn đánh mất lợi thế thương hiệu hồ tiêu tỉnh nhà vươn ra biển lớn.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
42498

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu