Thứ 5, 25/04/2024 13:59:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 08:13, 06/11/2015 GMT+7

Khẩn cấp chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Thứ 6, 06/11/2015 | 08:13:00 162 lượt xem
BPO - Trước thềm Hội nghị của Liên hiệp quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 30-11, LHQ đã kêu gọi các quốc gia cần đặt ra những mục tiêu tham vọng và tận dụng đà tiến mạnh mẽ hiện tại để đạt được một kết quả quan trọng về chống biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu - không có biên giới quốc gia

Phát biểu trong một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ ngày 4-11, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và do đó, các nỗ lực chung toàn cầu cũng cần phải được nâng cao. Không chỉ thế, các nỗ lực hiện tại phải được sử dụng làm “bàn đạp” cho những mục tiêu trong tương lai. 


Tuvalu, một trong những đảo quốc ở Thái Bình Dương chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu

Tại phiên họp, nhiều đại diện đã thừa nhận những khó khăn trong tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu song lạc quan về triển vọng của COP 21 sắp tới. Với thời hạn chót về thỏa thuận khí hậu mới trong năm nay, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cảnh báo rằng mặc dù đã có nhiều cam kết quan trọng vào việc giảm khí phát thải nhà kính, các vấn đề chính vẫn chưa được xúc tiến, nhất là về hỗ trợ tài chính cho các nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới phải hướng dẫn rõ ràng các nhà đàm phán của mình tìm kiếm sự thỏa hiệp và đạt được sự công bằng tại COP 21. “Biến đổi khí hậu không mang hộ chiếu và không có biên giới quốc gia. Các nước phải làm việc hướng tới lợi ích chung, vượt qua lợi ích quốc gia hạn hẹp”, Tổng Thư ký LHQ nói. 

Bà Christiana Figueres, thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu, nhận định Hiệp ước khí hậu Paris sắp tới là một trong 4 kết quả mục tiêu đặt ra cho nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Các mục tiêu còn lại bao gồm các đóng góp dự kiến về hành động chống biến đổi khí hậu, cam kết tài chính của các nước giàu trong việc giúp các nước phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cam kết từ các đối tác phi quốc gia, bao gồm khu vực tư nhân.

Kéo theo dịch bệnh

Quần đảo Solomon, Tuvalu và Benin, các quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước gặp nguy hiểm trước hiện tượng nước biển dâng, bày tỏ quan ngại về tiến trình thảo luận chưa đủ tham vọng. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Fiji tuần trước - cuộc gặp nhau cuối cùng của các quốc đảo Thái Bình Dương trước COP 21, các nước này đã ra tuyên bố chung Suva kêu gọi thế giới giúp giải quyết các tác động sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên; kêu gọi chấm dứt khai thác mỏ than mới để giảm khí thải CO2. Ratu Inoke Kubuabola, Ngoại trưởng Fiji, cho biết nước này chứng kiến sự tái xuất hiện của bệnh thương hàn, sốt xuất huyết, bệnh trùng xoắn và bệnh tiêu chảy - các bệnh do biến đổi khí hậu gây ra. 

Mực nước biển tại Thái Bình Dương tăng kỷ lục so với các nơi khác, gần 8cm kể từ năm 1992. Nếu mực nước biển tăng thêm khoảng 1m vào cuối thế kỷ này, hầu hết các đảo quốc ở Thái Bình Dương sẽ bị chìm vì đa số chỉ cao hơn mặt nước biển 2m. Điều này có nghĩa là bờ biển xói lở, nước mặn thấm vào lưu vực nước mưa và cây trồng bị hủy hoại. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao sẽ nâng cao nguy cơ mắc bệnh, trong đó có những bệnh do muỗi gây ra. Lốc xoáy và bão cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tổ chức Y tế thế giới ước tính thay đổi khí hậu sẽ gây ra khoảng 250.000 ca tử vong trên toàn cầu giữa năm 2030 và 2050.

Theo Tổng Thư ký LHQ, các nước phát triển phải giữ đúng cam kết của họ cung cấp 100 tỷ USD vào năm 2020 cho các nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
73521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu