Thứ 5, 28/03/2024 18:58:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:35, 02/02/2016 GMT+7

Khi cán bộ hải quan “chung mâm” với bọn buôn lậu

Thứ 3, 02/02/2016 | 15:35:00 164 lượt xem

BP - 5 ngày trước, 28-1-2016, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo về hành vi buôn lậu, trong đó có Bùi Anh Tuấn, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV3 tham gia. Theo cáo trạng, ngày 30-12-2013, Tuấn đã ký thông quan cho 10 container hàng trị giá 930 triệu đồng. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thực tế hàng hóa không đúng như khai báo, có hàng cấm. Trước đó, vào ngày 19-1-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu cùng đồng phạm can tội “Buôn lậu”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang. Vụ trọng án về kinh tế này có đến 46 bị can, trong đó nhiều giám đốc công ty và đặc biệt là có tới 30 bị can nguyên là cán bộ hải quan tỉnh An Giang, thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ án buôn lậu được đưa ra xét xử trong những ngày đầu năm mới mà đối tượng trực tiếp buôn lậu không ai khác lại chính là những cán bộ hải quan.

Đã thành thông lệ, cuối năm nạn buôn lậu, gian lận thương mại lại hoành hành do nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao. Đó là nguyên nhân khách quan. Nhưng còn có nguyên nhân chủ quan, đóng vai trò quan trọng và cơ bản là do thấy cái lợi trước mắt, nhiều cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ chống buôn lậu lại “ngồi chung mâm” với những kẻ buôn lậu. Cứ nhìn lại vụ án buôn lậu, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ với 30 cán bộ hải quan của tỉnh An Giang và thành phố Hồ Chí Minh tham gia sẽ thấy rõ điều đó. Rồi qua các vụ án buôn lậu đã được đưa ra xét xử từ trước tới nay đã cho thấy sự bất cập trong cơ chế quản lý hoạt động của lực lượng chống buôn lậu.

Từ lợi ích cục bộ của một vài cá nhân, đơn vị, địa phương đã dẫn tới những vụ buôn lậu, gian lận thương mại nổi đình đám. Tình trạng bao che, “bảo kê” hành vi phạm pháp của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong ngành hải quan đã làm triệt tiêu động lực chống buôn lậu, gian lận thương mại của nhiều người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì vậy, điều quan trọng là chính quyền các cấp ở các địa phương, lực lượng chống buôn lậu của các bộ, ngành phải cùng vào cuộc. Cũng như nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại phải được đưa vào nghị quyết của đảng các cấp và phải quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị, từng ngành. Làm tốt điều này sẽ góp phần trực tiếp chống lại nạn tham nhũng - một trong những nguyên nhân nuôi dưỡng và làm gia tăng nạn buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cần phải kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách, bởi trong thực tế, đã có không ít cán bộ, công chức trong ngành nhận ra những “kẽ hở” pháp luật và đã “vẽ đường cho hươu chạy”. Rồi những bất cập trong công tác quản lý hành chính ở các cửa khẩu cũng chưa được quan tâm đúng mức, tạo môi trường thuận lợi cho buôn lậu, gian lận thương mại phát triển.

Nếu không được kiềm chế, tiến tới ngăn chặn thì buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ làm giảm nguồn thu ngân sách, làm rối loạn thị trường mà còn gây điêu đứng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, các nhà sản xuất trong nước và làm suy yếu quốc gia.

Bảo Khanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu