Thứ 6, 29/03/2024 20:32:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:50, 31/01/2018 GMT+7

Khi hồ tiêu mất mùa, rớt giá

Thứ 4, 31/01/2018 | 14:50:00 163 lượt xem
BP - Từ năng suất bình quân 3kg/trụ, nay còn 0,3kg, vì vậy nông dân phải mất gần 10 trụ tiêu mới đủ tiền trả 1 công thu hái. Có lẽ chưa bao giờ người trồng hồ tiêu lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay…

Mất mùa nặng

Với hơn 1.500 trụ tiêu Vĩnh Linh, trong đó 400 nọc thu bói, năm trước gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn 2, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) thu gần 1 tấn tiêu. Thế nhưng năm nay, gia đình bà chỉ thu được chưa đầy 3 tạ, giảm hơn 1/3 sản lượng. Chỉ tay vào trụ tiêu trong vườn, bà Hà cho biết: “Năm trước, trụ này được hơn 3kg tiêu khô, còn năm nay 1 lạng cũng không được. Tiêu, điều mất mùa, không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng”.

Một vườn tiêu tại huyện Bù Đốp đang trong thời kỳ thu hoạch

Cũng ở xã Thiện Hưng, nhiều vườn tiêu ở thôn 3 gần như mất trắng. Gia đình anh Nguyễn Lâm Sơn trồng 500 trụ tiêu, trong đó giống tiêu Ấn Độ 300 trụ và Vĩnh Linh 200 trụ. Anh Sơn nói: “May nhờ có tiêu Ấn Độ bù lại chứ tiêu Vĩnh Linh xem như là mất hoàn toàn, bình quân mỗi trụ may ra thu được 3 lạng, trong khi tốn rất nhiều chi phí thuốc men, điện nước, công chăm sóc...”. Anh Nguyễn Huy, ấp 5, xã Hưng Phước, người đi hái tiêu thuê, cho biết: “Thường tháng này người ta đi hái lựa nhưng bây giờ xả luôn. Người dân mất mùa mình cùng xót lắm, vì tiền công vẫn được trả như năm trước”.

Huyện Lộc Ninh có hơn 5.200 ha, chiếm 1/3 diện tích hồ tiêu của cả tỉnh, tập trung nhiều nhất tại các xã: Lộc Phú, Lộc Điền, Lộc Quang, Lộc Thuận, Lộc An, Lộc Hiệp với các giống tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ, tiêu trung, tiêu sẻ; trong đó giống Vĩnh Linh chiếm tới 30% tổng diện tích hồ tiêu của huyện. Với 2.000 trụ, năm ngoái gia đình ông Sầm Văn Con, ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang thu về trên 2 tấn tiêu. “Mọi năm trừ chi phí tiền công, phân bón tôi còn dư được một ít. Năm nay tiêu mất mùa, riêng tiền phân bón đã hết hơn 60 triệu đồng mà tiêu ước thu được khoảng 5 tạ. Nếu bán với giá 60 ngàn/kg như hiện nay thì mới được 30 triệu đồng, không đủ chi phí” - ông Con bùi ngùi.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững xã Lộc Phú cho hay, chi phí để đầu tư 1 ha hồ tiêu ban đầu, từ khi múc đất đến lúc đặt giống khoảng 120 triệu đồng, đến năm thứ 4 cây mới bắt đầu cho thu hoạch. Hồ tiêu của câu lạc bộ hiện được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá 61 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn so với người dân địa bàn bán cho thương lái hiện nay.

Theo người dân, mặc dù vẫn áp dụng kỹ thuật chăm sóc như mọi năm nhưng do năm nay thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến việc cây tiêu ra hoa, đậu trái, đặc biệt là giống Vĩnh Linh. Lá già rụng muộn, tay non ra dài nhưng không có bông. Cây vẫn xanh tốt, cành lá xum xuê nhưng trái thì không có. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết: Mặc dù vẫn đang trong vụ thu hoạch nhưng ước tính năng suất tiêu Vĩnh Linh năm này giảm 50-60%. Những giống tiêu khác cũng ảnh hưởng nhưng mức độ nhẹ hơn, khoảng 10-15%. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của người dân Lộc Ninh nhưng giờ rơi vào cảnh mất mùa, rớt giá khiến cuộc sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

Vỡ quy hoạch

Theo quy hoạch phát triển hồ tiêu của Bình Phước đến năm 2020 sẽ ổn định diện tích 12.000 ha, thế nhưng hiện nay toàn tỉnh đã có gần 14.500 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Hớn Quản. Trong đó, hơn một nửa diện tích trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, còn lại đang thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 5.000 tấn. Do mở rộng diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt nên người dân không tránh khỏi những hệ lụy kèm theo. Nhiều vườn tiêu bị sâu bệnh hoặc phát triển èo uột...

Anh Nguyễn Lâm Sơn (bên phải) ở thôn 3, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) trong vườn tiêu mất mùa của gia đình

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn năm 2017 và vượt nhu cầu. Điều này khiến giá tiêu trên thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu không được như những năm trước. Xuất khẩu tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan...

Năm 2013, khi giá hồ tiêu đang ở mức cao với 220 ngàn đồng/kg, gia đình anh Lâm Lắp, ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đã cưa hơn 1 ha cao su đang thu hoạch để xuống giống trồng tiêu. Ngoài số tiền dành dụm của gia đình, anh vay thêm ngân hàng 370 triệu đồng để cải tạo vườn, đào mương thoát nước rồi xuống giống trồng 1.500 trụ tiêu. 2 năm đầu, vườn tiêu phát triển tốt, năm thứ 3 bị ngập nước khiến sâu bệnh bùng phát, tiêu vàng lá, rồi chết dần. Giờ nhìn vườn tiêu vàng lá nhiều cây khô cành anh Lắp xót xa, tiền lãi ngân hàng chưa biết lấy gì để trả. Mùa mưa năm 2017, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, gia đình ông Lê Văn Trường, cũng ở ấp Ba Ven, tiếp tục cưa 2 sào điều còn lại để trồng mới 150 trụ tiêu, nâng tổng diện tích hồ tiêu trồng trong 2 năm 2016-2017 của gia đình ông lên 450 trụ. Số tiền gia đình ông đầu tư trồng và chăm sóc hồ tiêu đã lên tới hơn 200 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng vay ngân hàng và 40 triệu đồng vay ngoài, với lãi suất 5%/tháng. Tiêu chưa được thu trong khi giá sụt giảm, lãi mẹ đẻ lãi con khiến gia đình ông vô cùng lo lắng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết: “Do những năm gần đây, giá tiêu tăng cao nên người dân đổ xô trồng loại cây này dẫn đến vượt quy hoạch. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh giữ nguyên diện tích hiện có 14.500 ha và khuyến cáo người dân tập trung nâng cao chất lượng hạt, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ sản xuất tiêu bền vững nhằm xây dựng thương hiệu hồ tiêu Bình Phước có sức cạnh tranh trên thị trường, chứ không nên mở rộng diện tích tràn lan sẽ không hiệu quả”.

Hiếu Trung - Như Nam

  • Từ khóa
42456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu