Thứ 5, 28/03/2024 20:11:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:33, 17/12/2015 GMT+7

Khi... “mùa báo cáo về”

Thứ 5, 17/12/2015 | 13:33:00 178 lượt xem

BP - Cuối năm nhiều việc dồn tới, trong đó rất nhiều cơ quan, bộ phận “è cổ” làm báo cáo. Đó là điều bình thường và tất yếu, đặc biệt trong những lĩnh vực như kinh tế, an ninh trật tự... Bởi lẽ, có số liệu báo cáo, tổng hợp, thống kê, mới đánh giá được kết quả đã thực hiện, để từ đó xây dựng chiến lược, chính sách phát triển trong năm tiếp theo, hoặc đơn giản hơn là nhận diện những gì làm được, chưa làm được, ưu điểm, nhược điểm... để khắc phục. Nhưng, một “căn bệnh kinh niên” đã tồn tại từ nhiều năm qua không chỉ ở Bình Phước mà ở phạm vi cả nước là những con số báo cáo chi tiết, cụ thể, thậm chí có vẻ như “hai năm rõ mười”, song thực tế lại rất kém thuyết phục, khiến không chỉ “người trong nghề” mà còn đối với đại bộ phận nhân dân cũng... không tin được. Vì sao lại như vậy?

Dẫn chứng cho thực tế này, chắc chắn ai cũng tìm được. Xin hãy thử đặt câu hỏi với chính mình về độ tin cậy của các con số: tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; số trẻ em bỏ học, số học sinh khá, giỏi; số người nhiễm HIV; cán bộ vi phạm trong kê khai tài sản; số lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; số án oan sai; tỷ lệ hộ nghèo; số người nghiện ma túy; số gái mại dâm đang hoạt động... Còn đối với những nội dung báo cáo không thể hiện bằng con số, mà bằng đánh giá cảm tính thì... chỉ có trời mới biết được đâu là sự thật!

Có lẽ, vấn đề “báo cáo chỉ để báo cáo” không còn mới và cũng không dễ “trị tận gốc căn bệnh kinh niên” trong các bản báo cáo. Bởi trong đó có rất nhiều vấn đề cần được “trị”. Như các vấn đề về tầm nhìn chiến lược, cấu trúc, nội dung, định hướng... của báo cáo thường là xã “rập” theo huyện, huyện “rập” theo tỉnh, tỉnh theo trung ương và phần nhiều được sao chép, chỉnh sửa từ năm trước, nhiệm kỳ trước... Hầu hết các bản báo cáo cuối năm, định kỳ, đột xuất, sơ kết, tổng kết... đều tồn tại những vấn đề đó. Đó là một trong những vấn đề khiến cho báo cáo không sát thực tế, thậm chí sai lệch lớn, không tin cậy được!

Mỗi con số báo cáo, mỗi nội dung báo cáo không thể chỉ để “làm đẹp” cho một ai đó hoặc một cơ quan, tổ chức nào đó. Bởi nó tác động rất lớn tới các chính sách xã hội, định hướng phát triển, kế hoạch trong tương lai của chính cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và liên quan đến hàng trăm, hàng ngàn người. Ví dụ như tỷ lệ hộ nghèo ở một xã, huyện hoặc toàn tỉnh, chỉ vì lấy thành tích “năm sau cao hơn năm trước” nên thống kê, báo cáo sai lệch sẽ ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách đối với hàng ngàn người dân có điều kiện kinh tế khó khăn...

Năm 2012, nói chuyện trước trên  4.000 cán bộ của thành phố Đà Nẵng, từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” của một số cán bộ, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thẳng thắn: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”. Ông cho rằng đã là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thì phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm.

“Mùa báo cáo lại về”. Xin được mượn ý của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, mong rằng mỗi cán bộ, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hãy thành thật với chính mình, đừng “vẽ” ra các con số mà mình biết chắc chắn nó không phải là sự thật.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu