Thứ 7, 27/04/2024 07:55:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:35, 03/10/2018 GMT+7

Khi phạm nhân học và làm theo Bác

Thứ 4, 03/10/2018 | 14:35:00 1,212 lượt xem
BP - “Học tập và làm theo Bác” đã thành phong trào rộng khắp, thấm sâu vào nếp sống, suy nghĩ của nhiều người. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình được nhân rộng tạo niềm tin, sức bật mới trong đời sống xã hội. Nhưng có lẽ, ít ai nghĩ phạm nhân cũng chuyển biến rõ nét, tự cảm hóa sâu sắc từ những buổi nghe tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, xem phim tư liệu về con người, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tình cảm, phong cách cao thượng, vị tha, đặc biệt là quan tâm, giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ của Người đã tác động tới phạm nhân giúp họ tỉnh ngộ, cải tạo tốt hơn. Họ học Bác đơn giản là để xa lánh cái xấu và sống tốt hơn mỗi ngày.

Không sợ sai lầm, chỉ sợ biết sai mà không chịu sửa

Thấm thoát chị Bùi Thị Thêu ở thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh đã được 3,5 năm. Tâm trạng của chị Thêu cũng như bao người chịu án tù là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (1 ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài). Chị từng đếm ngược thời gian mong đến thời khắc tự do. Vì thế, khi Giám thị trại công bố được tha tù trước thời hạn, chị đã bật khóc, nhiều đêm không ngủ vì vui sướng, nóng lòng chờ ngày đoàn tụ với gia đình. “Nhờ biết vượt qua mặc cảm, xác định được mục tiêu sống ngày mai tốt hơn nên tôi luôn tuân thủ tốt nội quy của trại, nỗ lực học tập theo đạo đức, lối sống của Bác Hồ để cải tạo, sửa chữa lỗi lầm. Vì thế, dịp tết độc lập năm nay, tôi được cán bộ trại xét cho hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc khi được đoàn tụ, có điều kiện dạy dỗ con tốt hơn” - chị Thêu xúc động cho biết.

Vợ chồng hạnh phúc sau ngày chị Bùi Thị Thêu được ra tù trước thời hạn   

Nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lấp lánh niềm tin, nụ cười nở tươi rói trên môi, người phụ nữ ấy như quên mất mình từng là phạm nhân. Kể về dự định sau ngày trở về, chị vui vẻ cho biết, thời gian trong tù cho chị nhiều bài học quý về cuộc sống. Về nhà ở trung tâm xã, chị sẽ mở quán cà phê để làm ăn và dùng nơi đây để tuyên truyền pháp luật. Chị dạy con cùng tuyên truyền cho mọi người về pháp luật để không bị sa vào vòng lao lý vì kém hiểu biết.

Nhớ lại thời lầm lỡ, đang vui chị Thêu bỗng lặng người cố nuốt sự tức tưởi bỗng ùa về nghẹn đắng trong lồng ngực. Chị cho biết, năm 2010, UBND tỉnh có chủ trương giao vốn đầu tư trồng mới theo Chương trình 5 triệu ha rừng, trong đó có Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Với trách nhiệm là Giám đốc - ông Thái Hữu Cam chỉ đạo chị Thêu là kế toán làm biên bản nghiệm thu các hạng mục công trình, đưa vào sử dụng dù dự án mới chỉ nằm trên giấy. Biết gian dối nhưng chị vẫn ký khống hợp thức hóa rút 500 triệu đồng theo lệnh giám đốc và chuyển vào tài khoản ông Nguyễn Thế Thuần, Giám đốc Công ty TNHH Thế Tài (đơn vị thầu). Sau này, chị Thêu mới biết ông Cam và ông Thuần chia nhau số tiền này để tiêu xài cá nhân. Ngày 29-1-2015, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Ngoài bị cáo Thái Hữu Cam phải lãnh án 8 năm tù về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì bị cáo Thêu cũng phải trả giá 5 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Được tha tù trước thời hạn do cải tạo tốt, tôi rất biết ơn chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ tận tình của giám thị, cán bộ, chiến sĩ ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Nhờ sự động viên, khích lệ đó, tôi đã cố gắng vượt lên lầm lỗi, cải tạo tốt hơn để được hưởng niềm hạnh phúc đoàn tụ sớm với gia đình.

Chị Bùi Thị Thêu, xã Thọ Sơn (Bù Đăng)

Chị Thêu cho biết: “Vào tù, tinh thần tôi suy sụp lắm. Nhưng nhờ sự quan tâm, giáo dục của cán bộ trại; những lần sinh hoạt chuyên đề nghe kể về cuộc đời, đạo đức của Bác, cách Bác đối xử với phạm nhân nên tôi xác định phải chấp hành tốt nội quy của trại; nêu cao ý thức để hoàn thành tốt mọi công việc cán bộ trại giao. Đối với anh em phạm nhân, tôi cũng luôn động viên họ. Nhất là phạm nhân đáng tuổi con cháu, tôi càng gần gũi động viên chấp hành tốt để được sớm về với gia đình. Các cháu tuổi trẻ bồng bột nhưng tương lai còn dài nên tìm công việc ổn định sau khi được tha tù thì sẽ không nghĩ đến việc xấu. Tôi còn thủ thỉ giải thích để các cháu hiểu “không có công việc thấp hèn, chỉ có thái độ thấp hèn” và làm gương để các cháu thấy sự nỗ lực của mình. Vì thế, tôi luôn được xếp loại cải tạo tốt hằng quý, hằng năm. Bác Hồ từng nói: “Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959)). Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều và quyết tâm thay đổi với thái độ sống tích cực”.

Ban đầu vào tù, chị lo con xa mẹ, bị tác động bởi việc mẹ phạm tội mà hư hỏng nhưng chính nhờ việc học đạo đức của Bác mà chị Thêu còn biết truyền cho con giá trị của cuộc sống có ích cho bản thân, xã hội. Mỗi khi con thăm nuôi, chị luôn gần gũi chia sẻ, nhắc nhở con tránh xa tệ nạn, không vi phạm pháp luật. Nay con trai đầu đã học xong Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định. Con trai út đang học Cao đẳng Công nghệ thông tin. Đó chính là niềm tin để chị càng phấn đấu sống tốt hơn vì ngày mai tươi sáng.

Đại tá Nguyễn Tư Thế, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: “Bùi Thị Thêu là một trong 4 phạm nhân có ý thức cải tạo tốt được tha tù trước thời hạn năm nay. Qua việc giáo dục pháp luật, chiếu phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp của Bác đã tác động, giúp phạm nhân nhận ra lỗi lầm mà sửa chữa thành người tốt hơn. Chúng tôi mong muốn phạm nhân được tha tù trước thời hạn sớm ổn định cuộc sống, chấp hành tốt quy định pháp luật để trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội, không tái phạm, vi phạm pháp luật”.

 hướng đến ngày hoàn lương

Đầu tháng 7 đến tháng 10-2015, địa bàn thị xã Đồng Xoài và vùng lân cận từng nổi lên một băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp giật túi xách và điện thoại di động, nạn nhân đều là phụ nữ khiến nhiều người bất an. Qua theo dõi, Công an thị xã Đồng Xoài đã triệt phá thành công, bắt 6 đối tượng gây án, trong đó có Bồ Văn Nghĩa (1996, trú phường Tân Xuân, TX. Đồng Xoài). Ngày 6-9-2016, Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài đưa vụ án ra xét xử và Bồ Văn Nghĩa bị tuyên 3,5 năm tù giam, thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Ngước đôi mắt đẫm lệ, Nghĩa buồn buồn kể về cuộc đời mình: “Tuổi trẻ háo thắng, đua đòi nên em phạm tội. Giờ hằng đêm đối diện với 4 bức tường, nghĩ về việc làm sai trái của mình, em rất hối hận. Cha bệnh không làm được việc nặng, em gái còn nhỏ, giá mà em không ở đây thì có lẽ đã cáng đáng được nhiều việc cho gia đình”.

Nghĩa sinh ra trong gia đình thuần nông có 2 anh em. Học yếu, ba mẹ lại ép nên Nghĩa đã trốn học theo đám bạn xấu rủ rê, lôi kéo vào những cuộc ăn chơi trác táng. “Bần cùng sinh đạo tặc”, Nghĩa dần sa ngã vào con đường trộm, cướp. Những tháng ngày ở trại giam, nhờ sự động viên, giúp đỡ của cán bộ và gia đình, Nghĩa đã nỗ lực cải tạo tốt. Đặc biệt, trong thời gian thụ án, Nghĩa được đọc rất nhiều cuốn sách hay, trong đó có nhiều mẩu chuyện về lối sống, đạo đức của Bác Hồ. Cốt cách của Người tỏa sáng đã dần cảm hóa, giúp Nghĩa nhận ra phải sống tốt không vi phạm pháp luật mới có thể tạo ra tương lai tốt đẹp. “Ở trong trại, em có nhiều thời gian đọc sách, bởi sách ở thư viện rất nhiều và toàn sách hay. Sách đã giúp em hiểu biết, suy nghĩ tích cực để phấn đấu vươn lên có ích hơn trong cuộc sống sau này” - Nghĩa cho biết.

“Bên cạnh lao động cải tạo, học nghề, phạm nhân còn được học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân, nghe chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Bằng nhiều phương thức giáo dục đã tác động, cảm hóa đến ý thức phạm nhân. Khi hiểu sâu sắc giá trị đạo đức của Bác Hồ dành cho tất cả mọi người, nhất là với người biết đứng dậy sau vấp ngã đã bồi đắp khát vọng hoàn lương cho phạm nhân. Họ chủ động phấn đấu lao động, cải tạo để sớm được trở về, sống có ích cho gia đình và xã hội” - Đại tá Nguyễn Tư Thế cho biết.

Với Nghĩa, học tập và làm theo Bác không chỉ học ở tính cần, kiệm, có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác mà Nghĩa còn biết nghĩ tới công ơn của bậc sinh thành để cải tạo tốt hơn. Đầu tháng 10 này, Nghĩa thuộc diện được giảm án vì phấn đấu cải tạo tốt. “Nghĩ đến ngày được về đoàn tụ với gia đình em vui lắm! Em đã có bằng lái xe nên sẽ xin vào hãng taxi làm việc, tránh xa cái xấu để không làm cha mẹ phiền lòng và không để mất quyền tự do một lần nữa” - Nghĩa nói.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
2165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu