Thứ 6, 29/03/2024 03:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:47, 31/12/2015 GMT+7

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Nghĩa

Thứ 5, 31/12/2015 | 07:47:00 211 lượt xem
BP - Phú Nghĩa là 1 trong 2 xã của huyện Bù Gia Mập được chọn điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Đến nay, dù đạt 15/19 tiêu chí nhưng là những tiêu chí dễ đạt, các tiêu chí cần vốn đầu tư lớn thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Ở trung tâm huyện nhưng Phú Nghĩa là xã thuần nông, mặt bằng dân trí không đồng đều, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư. Đây là những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM.

NHIỀU CÁCH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO, ĐỒNG BÀO DTTS

Xã Phú Nghĩa có 2.820 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 40%. Các thôn: Hai Căn, đội 3 Khắc Khoan, Bù Gia Phúc 1, Bù Gia Phúc 2, Bù Cà Mau có tỷ lệ DTTS đông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn sản xuất, nhà ở. Đội 6 Tân Lập có 81 hộ, trong đó 42 hộ S’tiêng sống biệt lập, cách xa trung tâm nên chưa có điện, điểm trường, nhà ở phần lớn còn tạm bợ, sản xuất lạc hậu, manh mún. Từ thực tế đó, năm 2015 xã tham mưu UBND huyện vận động các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng 16 căn nhà tình thương tặng hộ đặc biệt khó khăn tại khu tái định canh - định cư (thuộc thôn Hai Căn) với kinh phí 800 triệu đồng. Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân ở khu vực mới, UBND huyện đã làm đường bê tông nội bộ, lắp điện, nước đến từng hộ, trị giá 600 triệu đồng; vận động nhà hảo tâm xây dựng điểm trường, làm sân bóng chuyền, cột cờ, tặng tivi, nồi cơm điện với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Hiện các hộ còn lại của đội 6 Tân Lập, UBND huyện tiếp tục vận động đầu tư xây nhà trong thời gian tới. Ngoài ra, hằng năm mỗi tổ chức, đoàn thể xã còn vận động ít nhất 1 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo, khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã vận động xây dựng 50 căn nhà tình thương với kinh phí gần 2 tỷ đồng và cơ bản đã xóa được nhà tạm, dột nát.

Đường vào thôn Hai Căn được nhựa hóa khang trang

Để nâng cao thu nhập cho người dân, từ các nguồn vốn, xã đã thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Trong 5 năm, xã mua 44 con trâu, 50 con bò, 32 con dê giống cấp cho 80 hộ; xây dựng dự án cải tạo vườn điều ghép cho 12 hộ, hỗ trợ phân bón trả chậm 300 tấn, cấp 200kg cá giống, hỗ trợ 15 ngàn cây ca cao giống cho hàng trăm hộ dân. Đồng thời xã mở 29 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, 8 lớp tập huấn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Hiện các mô hình chăn nuôi đều cho sinh sản, nhân đàn gấp đôi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23,5 triệu đồng/người/năm.

HẠ TẦNG CƠ SỞ YẾU

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đảng bộ xã, trong đó phát triển giao thông được xã đặc biệt quan tâm. Toàn xã có khoảng 100km đường giao thông, trong đó 25km ĐT741 đã được nhựa hóa, số còn lại là đường đất. 5 năm qua, từ các nguồn vốn, xã đầu tư trải nhựa 6km đường liên thôn với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, nhân dân đã góp tiền, hiến đất, cây trồng, ngày công gần 1 tỷ đồng và huy động các đơn vị, doanh nghiệp gần 400 triệu đồng tu sửa, làm mới 15km đường liên thôn, liên tổ. Đến nay, các trục đường tiếp giáp với ĐT741 đã được nhựa hóa và cứng hóa khang trang. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 60km đường liên tổ, liên xóm chưa được đầu tư xây dựng.

Là xã điểm NTM giai đoạn 2011-2015 nhưng đến nay Phú Nghĩa vẫn chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia. Từ nguồn vốn NTM khoảng 5 tỷ đồng, xã tập trung xây dựng cơ sở vật chất tại Trường tiểu học Kim Đồng, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia năm 2015 nhưng đến nay trường chỉ mới đủ phòng học, còn các hạng mục khác vẫn chưa được đầu tư. Trường tiểu học Hoàng Diệu xây dựng phần đất do người dân hiến chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng, cơ sở vật chất còn tạm bợ. Trường tiểu học Phú Nghĩa, mẫu giáo Phú Nghĩa nằm ở trung tâm xã, huyện nhưng cơ sở vật chất thiếu, xuống cấp, các điểm lẻ phần lớn còn mượn tạm nhà văn hóa thôn, chưa có nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, cổng, hàng rào...

Xã có 13 thôn, đội, trong đó chỉ có 6 thôn, đội có nhà văn hóa nhưng hầu hết đã xuống cấp, chưa đạt chuẩn vì không có nhà vệ sinh, nước, cổng, hàng rào, sân chơi, bãi tập.

NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Đến cuối năm 2015 xã Phú Nghĩa còn 92 hộ nghèo, chiếm 3%, so với năm 2011 giảm trên 400 hộ. Chủ tịch UBND xã Đặng Sĩ Oánh cho rằng, trên thực tế xã còn rất nhiều hộ khó khăn nhưng phải cắt giảm theo chỉ tiêu giao. Công tác giảm nghèo ở xã thiếu bền vững do chính sách đào tạo nghề không hiệu quả, trong khi đó ở xã có ít doanh nghiệp hoạt động, chưa có ngành nghề truyền thống để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hiện xã còn hơn 4.000 ha đất lâm phần chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, vì thế hàng ngàn hộ dân sống ở khu vực này chưa có điều kiện, cơ sở tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất. Tình trạng cầm cố đất, bán điều non, vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn phổ biến. Đến cuối tháng 11-2015, toàn xã có 50 hộ bán điều non với diện tích 79 ha; 54 hộ vay nặng lãi với lãi suất từ 30-50%/năm; 28 hộ sang nhượng, bán đất với diện tích 50,5 ha.

Để giảm nghèo bền vững và cán đích NTM, ông Oánh đề nghị các cấp có thẩm quyền, ngành chức năng sớm giải ngân vốn các chương trình, dự án; xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau quy hoạch 3 loại rừng cho các hộ dân; sớm sửa đổi Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nhằm tăng chế tài, răn đe những đối tượng cầm cố, sang nhượng đất trái phép.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
53900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu