Thứ 6, 19/04/2024 15:15:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:49, 15/04/2015 GMT+7

Khó thực thi Luật hôn nhân và gia đình

Thứ 4, 15/04/2015 | 14:49:00 437 lượt xem
BP - Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015. Tuy nhiên, mặc dù mới sau 3 tháng áp dụng vào thực tiễn, một số quy định trong luật này đã bộc lộ bất cập, khó khả thi và rất cần văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Nếu không, sẽ có một số quy định của luật này khó đi vào đời sống thực tiễn.

Cụ thể tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 95 trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có nội dung như sau: 1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. 2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; b) Vợ chồng đang không có con chung; c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. 3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. 4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thứ nhất là với quy định như trên, xin nêu ra những bất cập khó khả thi của điều luật này là ở chỗ tại Điểm b, Khoản 2 có quy định: Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: b) Vợ chồng đang không có con chung. Nếu quy định như trên tức là đã hạn chế quyền có con thứ hai, nói cách khác là những người vì lý do nào đó nên không may mắn là chỉ sinh được một con thì sẽ bị cắt mất quyền được làm cha, làm mẹ của con thứ hai. Trong khi đó, chính sách của Nhà nước khuyến khích mỗi gia đình có một đến hai con.

Bất cập thứ hai nằm ở điều kiện đối với người mang thai hộ được quy định tại Điểm a, Khoản 3 cũng ở Điều 95 như sau: 3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ... Theo quy định trên, ai sẽ là người xác nhận, cơ quan nào có đầy đủ tư cách về mặt tư pháp để xác nhận cho người có nhu cầu mang thai hộ? Chưa hết, việc xác nhận này được chứng thực trên những loại giấy tờ gì?... Việc xác nhận người mang thai hộ cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng với vợ hay chồng người cần mang thai hộ nếu là trách nhiệm của cơ quan hành chính, vậy thì người ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào về việc xác nhận này. Việc xin giấy xác nhận này do vợ hoặc chồng người có nhu cầu mang thai hộ tự lo về mặt thủ tục hành chính hay người mang thai hộ phải làm.

Bất cập thứ ba là đối với những vợ chồng tuy đã có con chung, nhưng người con bị khuyết tật nên muốn được nhờ người khác mang thai hộ thì không được pháp luật cho phép. Vì trong Luật hôn nhân và gia đình không có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Bởi vì hiện nay, pháp luật Việt Nam coi người khuyết tật cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ của một công dân. Tuy nhiên, xét ở góc độ nhân đạo thì đối với những vợ chồng trong hoàn cảnh này nếu có thêm một đứa con từ việc mang thai hộ với sức khỏe tốt, sau này sẽ chăm sóc cha mẹ già yếu và người anh/chị bị khuyết tật... là rất nhân đạo.

Rất mong những bất cập trên sớm được các cơ quan chức năng gỡ nút thắt để tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật sớm đi vào cuộc sống và cũng là để các cơ sở y tế được phép có thể bắt tay vào việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.                                  

 

LG. Diệp Viên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu