Thứ 6, 29/03/2024 05:09:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:17, 01/03/2015 GMT+7

Khổ vì sống gần mỏ đá (Bài cuối)

Chủ nhật, 01/03/2015 | 08:17:00 434 lượt xem

HỆ LỤY SAU KHAI THÁC

BP - Sau khai thác đá, nhiều điểm mỏ để lại những hố sâu nguy hiểm hay các tảng đá to, sắc cạnh nằm ngổn ngang, không có rào chắn hoặc cắm biển báo nguy hiểm. Điều đáng nói là mỏ đá nằm trong vùng đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục những hệ lụy sau khai thác.

>> Khổ vì sống gần mỏ đá (Bài 1)

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Theo phản ánh của người dân thôn 2, xã Đoàn Kết (Bù Đăng), mỏ đá trong thôn bắt đầu khai thác từ năm 2010 và đã ngừng hoạt động hơn 2 năm nay. Trước đó vào thời điểm khai thác, mỏ đá này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, điều trổ bông nhưng bụi đá bám trắng làm giảm tỷ lệ đậu trái. Khi nổ mìn, nhiều viên đá văng vào vườn của dân gây trở ngại cho việc canh tác.

Mỏ đá sau khai thác ở thôn 2, xã Đoàn Kết không được phục hồi

1,2 ha điều nằm cạnh mỏ đá nhưng trong 2 năm khai thác đá, vườn điều của hộ ông Nguyễn Thanh Phùng ở thôn 2 đều mất mùa. Ông Phùng than phiền: Mùa nắng thì bụi đá bám đầy cây, mùa mưa, do khu vực khai thác đá nằm trên cao nên đá trôi, lăn xuống vườn. Khu mỏ đá rộng khoảng 1 ha, sau khai thác tạo thành nhiều rãnh sâu nguy hiểm, chỗ sâu nhất hơn 10m. Bao quanh mỏ đá là vườn rẫy của người dân nên hằng ngày có nhiều người qua lại, nhất là trẻ đi chăn trâu. Thế nhưng, xung quanh mỏ đá không được rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm nên người dân trong thôn rất lo xảy ra tai nạn.

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng thôn 2 cho biết: Xung quanh mỏ đá có vườn rẫy của 7 hộ dân bị ảnh hưởng, cách đó vài chục mét có 2 nhà dân. Đoạn đường dẫn vào mỏ đá cũng chính là đường vào rẫy của dân đã bị xe tải chở đá băm nát nên rất khó đi. Thời điểm mỏ đá hoạt động, người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng không được giải quyết triệt để. Khi mỏ ngừng khai thác thì để lại những hố sâu, vách đá dựng đứng rất nguy hiểm. Lo nhất là trẻ chăn trâu thường xuống khu vực mỏ đá nô đùa.

Nỗi lo sau khai thác

Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị, tương ứng 15 điểm mỏ được cấp phép khai thác đá xây dựng, phân bố trên địa bàn các huyện. Nhiều nhất là Hớn Quản 4 điểm mỏ với trữ lượng 12.074.932m3, Đồng Phú 3 điểm mỏ với trữ lượng 18.960.800m3, Lộc Ninh 3 điểm mỏ với trữ lượng 7.334.247m3. Còn lại 5 mỏ nằm rải rác ở các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp và thị xã Đồng Xoài.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường: Tất cả dự án khai thác đá xây dựng trong tỉnh đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Doanh nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp và cam kết thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra. Hàng năm, sở đều kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, sở đã kiểm tra 25 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đã sửa chữa những đoạn đường xuống cấp, tưới nước giảm bụi, xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh trong quá trình khai thác...

Năm 2014, toàn tỉnh có 10 mỏ đá phải đóng cửa và dừng khai thác. Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và môi trường, tất cả doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ việc cải tạo phục hồi môi trường và đã được UBND tỉnh ra quyết định đóng cửa theo quy định. Nhưng thực tế, việc khai thác đá xây dựng đã để lại những hệ lụy không nhỏ, như: Hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng, bụi đá gây ô nhiễm môi trường, đời sống nhân dân trong khu vực bị đảo lộn... Rất mong ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các mỏ đá, tránh để lại những tác động xấu đến đời sống của người dân.                              

Hải Châu

  • Từ khóa
92585

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu