Thứ 5, 28/03/2024 21:59:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:53, 27/08/2015 GMT+7

Khoảng cách giữa người lao động và chủ doanh nghiệp

Thứ 5, 27/08/2015 | 09:53:00 97 lượt xem

BP - Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra sáng hôm qua 25-8. Không chỉ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn có hàng triệu lao động cả nước, đặc biệt là công nhân làm việc tại khu công nghiệp, trong đó có khoảng 120 ngàn công nhân thuộc các khu công nghiệp ở Bình Phước hồi hộp chờ kết quả. Điều đó dễ hiểu bởi từ trước đến nay, tiền lương luôn là vấn đề khó giải quyết nhất giữa lao động và doanh nghiệp. Thế nhưng, cũng như phiên họp trước, lần này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai bên vì bên nào cũng “khư khư” ý kiến của mình.

Cuộc thương lượng giữa đại diện “giới chủ” là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với đại diện của người lao động là Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam. Trong phiên họp này, đề xuất của TLĐLĐ Việt Nam căn cứ vào việc thực hiện Bộ luật Lao động và Luật BHXH. Lộ trình tăng lương tối thiểu để đạt mức sống tối thiểu sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay, mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu, tương đương 2 năm còn lại phải tăng từ 25-26%, bình quân mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%, như vậy tiền lương tăng năm 2016 phải khoảng 17% mới phù hợp.

Theo thống kê của TLĐLĐ Việt Nam, hiện lương của người lao động khoảng 4-5 triệu đồng - tương đương mức lương của công nhân trong các khu công nghiệp ở Bình Phước hiện nay. Năm 2015, lương tối thiểu vùng 1 là 3,1 triệu đồng, vùng 2 là 2,75 triệu đồng, vùng 3 là 2,4 triệu đồng, vùng 4 là 2,15 triệu đồng. Bình Phước: Chơn Thành vùng 2; Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Đồng Phú, Hớn Quản vùng 3, các huyện còn lại vùng 4. Như vậy, bản chất khi lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp chỉ phải tăng tiền đóng BHXH cho người lao động mà thôi.

Sau phiên họp, Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, nếu không tăng lương tối thiểu đạt mức cần thiết, theo lộ trình đến ngày 1-1-2018, thực hiện Điều 89 của Luật BHXH (từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động), doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị “sốc”.

Trong khi đó, đại diện VCCI cho rằng: Ngân hàng Thế giới đưa ra quan điểm Việt Nam tăng lương tối thiểu thì giảm, tăng việc làm. Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan và năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ qua chỉ tăng khoảng 3%/năm, lạm phát hiện nay dưới 1% và dự báo cả năm 2015 và 2016 ở mức dưới 3%. Vì thế, mức lương tối thiểu vùng tăng 6-7% cho năm 2016 là phù hợp.

Việc bất đồng quan điểm giữa giới chủ với người lao động không phải là chuyện mới trên thế giới và với Việt Nam những năm gần đây. Vấn đề ở chỗ, giới chủ doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và nhiều kỹ năng trong việc chèn ép người lao động. Vì thế, nhìn vào biểu đồ phải đạt tới để thực hiện Luật BHXH cũng như Bộ luật Lao động, rõ ràng phải nhanh chóng tăng lương tối thiểu - thực chất chỉ là đóng thêm tiền bảo hiểm cho người lao động - nhưng giới chủ vẫn trì hoãn để thu thêm lợi nhuận, đồng thời hy vọng đến thời điểm bắt buộc phải thực hiện sẽ viện cớ tăng đột ngột để xin dãn thời gian. Trong khi đó, người lao động và cả tổ chức đại diện cho người lao động Việt Nam chưa quen với việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Nếu không kiên trì và giữ vững lập trường, rất có thể người lao động và tổ chức đại diện cho người lao động Việt Nam sẽ thất bại trước giới chủ.

Dự kiến cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra ngày 3-9. Hy vọng rằng, mọi vấn đề sẽ được giải quyết, nếu không, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải dùng quyền của mình lựa chọn phương án thích hợp để trình Chính phủ.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu