Thứ 5, 28/03/2024 21:35:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:44, 05/11/2019 GMT+7

Khơi dậy trí tuệ Việt Nam

Thứ 3, 05/11/2019 | 13:44:00 181 lượt xem

BP - “Các nhà khoa học trên thế giới đều nói rằng, nguồn lực quý nhất của Việt Nam là con người. Vấn đề đặt ra là làm sao khơi dậy được trí tuệ Việt Nam”. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chia sẻ điều này tại lễ tôn vinh các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, diễn ra ngày 2-11. Trí tuệ người Việt Nam đã được khẳng định qua hàng ngàn năm lịch sử. Đúng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, vấn đề chỉ là làm sao khơi dậy được điều đó.

Người Việt xếp trong nhóm các dân tộc có trí thông minh cao. Thế nhưng, trên bảng xếp hạng trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc Liên hợp quốc, Việt Nam chỉ trong nhóm giữa, năm 2008 xếp thứ 65/153 nước, năm 2009 xếp 64/130 nước, năm 2010 xếp thứ 71/132 nước, năm 2011 đứng thứ 51/125 nước, năm 2012, 2013 xếp thứ 76/141 nước... Kết quả này được tổng hợp từ 84 chỉ số thành phần, gọi chung là khả năng đổi mới/sáng tạo của các quốc gia trên thế giới. Người Việt có trí thông minh cao, nhưng lại bị đánh giá khả năng đổi mới/sáng tạo thấp, nghe có vẻ khó hiểu, song phân tích kỹ không khó lý giải.

Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là người Việt Nam đã dùng  chính trí thông minh của mình để hình thành, sử dụng để... làm xấu chính mình. Vì lợi ích cá nhân, không ít người đã bất chấp tất cả, kể cả hãm hại người khác để đạt được mục đích của mình. Ở phạm vi công sở - nơi tưởng như văn minh nhất, là nơi làm gương cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, cũng đã có vô số “mưu hèn, kế bẩn”. Không ít người ăn mặc bảnh bao, nói năng lịch thiệp, tỏ ra thân thiết, vui vẻ, giúp đỡ, nhưng lại thường ngấm ngầm “đâm sau lưng” người khác. Không ít người trong cuộc họp ít có ý kiến, hiếm khi có ý kiến trái chiều để không làm mất lòng ai, thậm chí giúp đỡ người khác những điều nho nhỏ trong cuộc sống, nhưng khi có cơ hội nào đó thì sẵn sàng “mượn gió bẻ măng”, sẵn sàng “đạp lên đầu lên cổ” hay “dìm” người khác xuống để “ngoi lên”. Không ít người luôn tỏ ra liêm chính nhưng thực tế nhìn thấy cơ hội khuất tất thì như “mèo thấy mỡ”... Có người luôn hô hào chống tiêu cực, chống tham nhũng nhưng lại là trùm tham nhũng. Không ít người tiếp xúc với nhân dân, với doanh nghiệp thì xem như ruột thịt, nhưng ra khỏi nơi gặp gỡ công khai giữa chốn đông người ấy, ai muốn làm gì cũng phải “qua cửa nhà quan” mới xong. Sống đúng kiểu “thượng đội, hạ đạp”, khi có chuyện xảy ra với “đàn em” của mình thì xử lý theo kiểu “mát mặt người kỷ luật, rát mặt người tố cáo”...

Những hành động này liên quan đến một số thứ đã tồn tại và ngấm sâu trong xã hội, liên quan đến hàng loạt... chữ “tiểu”, như có nguồn gốc tiểu nông, đặt ra mục tiêu kiểu tiểu chủ, hành vi thì tiểu xảo, làm ăn chỉ hướng tới tiểu thương, suy nghĩ tầm tiểu trí... Không phải không ai thấy, thậm chí chính người trong cuộc là những người hiểu rõ nhất, nhưng cũng chính người trong cuộc ấy lại luôn... “trừ mình ra”. Chỉ khi nào “cháy nhà” thì “mặt chuột” mới chịu lộ...

Trí tuệ của người Việt Nam, dù ở góc độ nào, lĩnh vực nào, cấp độ nào cũng cần được khơi dậy. Và không chỉ khơi dậy, mà còn cần được sử dụng với mục đích nhân văn nhất, cái đẹp mới có đất sinh sôi nảy nở. Nếu trong xã hội, những “mưu hèn, kế bẩn” vẫn còn đất sống, vẫn chiếm thế thượng phong, thì dù người Việt có trí thông minh như thế nào đi nữa, cũng sẽ vô vàn khó khăn trên con đường tri thức, trên con đường phát triển.

Trần Phương

  • Từ khóa
109223

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu