Thứ 6, 29/03/2024 15:01:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 12:44, 21/06/2017 GMT+7

Khởi nghĩa Ti-pô-ni-cơ-rô

Thứ 4, 21/06/2017 | 12:44:00 1,227 lượt xem

BP - Từ thế kỷ thứ XVI, In-đô-nê-sia bị thực dân Hà Lan thống trị và chia thành hàng trăm tiểu quốc khác nhau. Với chính sách cai trị hà khắc của bọn thực dân, nhân dân In-đô-nê-sia đã liên tục đứng lên đấu tranh chống lại người Hà Lan. Nhưng do bị phân tán thành các đảo quốc nên hầu hết cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại. Năm 1825, thái tử của đảo quốc Giư-dưa là Ti-pô-ni-cơ-rô tiếp tục thực hiện công cuộc đánh đuổi thực dân nên đã bí mật xây dựng quân đội để khởi nghĩa vũ trang.

Người Hà Lan phát hiện và truất quyền thừa kế ngai vàng của Ti-pô-ni-cơ-rô. Tháng 7-1825, bọn cai trị Hà Lan gửi thư cho thái tử Ti-pô-ni-cơ-rô với ý đồ chia rẽ nội bộ quân khởi nghĩa và dụ dỗ vị thủ lĩnh này từ bỏ ý định chống lại chính quốc. Ti-pô-ni-cơ-rô biết đây là âm mưu của bọn thực dân nên ra sức phòng bị. Cuối tháng 7-1825, thực dân Hà Lan nổ súng tấn công căn cứ của quân khởi nghĩa. Ti-pô-ni-cơ-rô ra lời hiệu triệu toàn quốc đứng lên đánh đuổi bọn xâm lược Hà Lan. Nhân dân trên các đảo của In-đô-nê-sia hưởng ứng và tiến về Giư-dưa hội quân, cuộc khởi nghĩa của Ti-pô-ni-cơ-rô bắt đầu. Tổng đốc Hà Lan nghe tin liền điều động binh sĩ quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa ngay từ trong trứng nước. Quân Hà Lan phong tỏa tất cả trục đường giao thông, bến cảng, tổ chức diễu hành thị uy... Ti-pô-ni-cơ-rô cho quân tấn công các khu nhà ở của người Hà Lan, tập kích các đội tải lương và tiến hành quấy rối vùng hậu phương của địch. Quân Hà Lan tập trung pháo lớn bắn vào các thành trì có nghi quân khởi nghĩa ẩn nấp và đốt phá làng mạc... Ti-pô-ni-cơ-rô cho quân đánh du kích. Lợi dụng lúc quân Hà Lan truy kích quân khởi nghĩa, Ti-pô-ni-cơ-rô dẫn quân đánh tập hậu làm cho đội hình đối phương rối loạn. Lối đánh du kích của quân khởi nghĩa khiến thực dân Hà Lan bị thất bại liên tục.

Biết không thể đánh lại quân khởi nghĩa bằng vũ lực, bọn cai trị Hà Lan liền sử dụng âm mưu chia rẽ nội bộ. Chúng dùng vàng bạc để mua chuộc, làm phân hóa đội ngũ những người lãnh đạo quân khởi nghĩa. Sau đó, chúng tổ chức bắt cóc con trai của Ti-pô-ni-cơ-rô để buộc vị thủ lĩnh này đầu hàng. Thế nhưng, Ti-pô-ni-cơ-rô đã đặt quyền lợi đất nước trên lợi ích gia đình và cự tuyệt việc chuộc con xin hàng. Năm 1830, bọn thống trị Hà Lan dùng thủ đoạn giảng hòa để dụ dỗ Ti-pô-ni-cơ-rô ký hiệp định đình chiến. Khi Ti-pô-ni-cơ-rô bước vào phòng họp liền bị hàng chục tên lính Hà Lan phục sẵn bắt sống. Sau đó, chúng đưa vị thủ lĩnh này ra đảo Sulawesi giam lỏng. Quân khởi nghĩa mất lãnh tụ, mất lãnh đạo nên nhanh chóng đi đến sự tan rã.

Các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới cho rằng, cuộc khởi nghĩa của nhân dân In-đô-nê-sia do Ti-pô-ni-cơ-rô lãnh đạo tuy chỉ kéo dài 5 năm nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá. Trong đó, nổi bật nhất là bài học về lòng yêu nước, vì độc lập của dân tộc Ti-pô-ni-cơ-rô đã đánh đổi mạng sống của mình, gia đình và con cái để dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

T.Phong
(Nguồn: 102 sự kiện tiêu biểu thế giới)

  • Từ khóa
66486

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu