Thứ 6, 19/04/2024 08:25:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:17, 27/03/2016 GMT+7

Khởi nghĩa Trần Cao

Chủ nhật, 27/03/2016 | 14:17:00 2,435 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Cao quê ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, nay là thôn Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trần Cao là người đã từng giữ chức quan coi điện Thuần Mỹ. Đầu thế kỷ XVI, cuối thời Lê sơ, Trần Cao làm đến chức Thuần Mỹ điện giám. Bấy giờ, các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực tàn ác, chơi bời sa đọa, triều chính rối ren, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Trần Cao nghe lời sấm truyền trong dân gian rằng “đông phương hữu thiên tử khí”, bèn quyết định khởi binh lập nghiệp lớn.

Ông tụ tập những người tha hương trốn tránh làm vây cánh, tự xưng là cháu 5 đời của vua Trần Thái Tông và là ngoại thích của Quang Thục hoàng hậu, mẹ vua Lê Thánh Tông. Tháng 3-1516, ông cùng con là Trần Cung và các thủ hạ Phan Ất người Chiêm Thành, Đình Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn, Đình Bảo, Đoàn Bố dấy binh khởi nghĩa rồi chiếm hai huyện Thủy Đường và Đông Triều.

Chùa Quỳnh Lâm, nơi Trần Cao dấy binh khởi nghĩa - Ảnh: internet

Cũng theo sách trên, Trần Cao thường mặc áo đen, giả xưng là cháu của vua Trần và tự xưng là Đế Thích giáng sinh. Nghĩa quân của ông tất thảy đều cạo trọc đầu, phần lớn là nông dân nghèo, sư sãi, nô tì. Tháng 4-1516, dưới sự lãnh đạo của cha con ông, nghĩa quân tiến sang địa bàn các huyện Quế Dương, Tiên Du, Gia Lâm (thuộc Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội ngày nay), rồi đến thẳng Bồ Đề, uy hiếp Đông Đô. Trần Cao bị quân triều đình đánh mạnh phải rút về Trâu Sơn (Quế Võ). Từ đó, thế lực của Trần Cao càng ngày càng mạnh, còn vua tôi nhà Lê thì lại chỉ lo việc chém giết lẫn nhau.

Cũng trong tháng này, Trần Cao mang quân đánh vào các huyện Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm rồi tiến thẳng vào bến Bồ Đề, uy hiếp Thăng Long. Vua Lê Tương Dực phải xuống chiếu thân chinh đi đánh. Trận này, quân của Trần Cao đại phá quân triều đình, giết chết tướng Phùng Trấn và Trịnh Khổng Chiêu. Lê Tương Dực lo sợ, triệu tập An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ về cứu. Dụ mang quân về đóng ở dinh Bồ Đề. Nhưng Tương Dực trong lúc nguy biến vẫn chơi bời hưởng lạc, Trịnh Duy Sản thấy vậy thường can ngăn trái ý vua, Tương Dực bực tức sai đánh Duy Sản bằng trượng. Trịnh Duy Sản căm tức, ngấm ngầm bàn với  Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm cùng nhau bỏ Tương Dực để lập vua khác. Đêm 7-5-1516, Duy Sản lấy cớ đi đánh Trần Cảo rồi giết chết Lê Tương Dực.

Sau đó, Trịnh Duy Sản cùng Thái sư Lê Quảng Độ lập chắt của Lê Thánh Tông là Y mới 11 tuổi lên ngôi, tức là Lê Chiêu Tông. Trần Cao nhân thời điểm đó dồn sức tấn công kinh thành. Trịnh Duy Sản lật đật mang vua Chiêu Tông bỏ chạy vào thành Tây Đô ở Thanh Hóa, Thái sư Lê Quảng Độ ra đầu hàng Trần Cao. Ông bèn thu dụng Lê Quảng Độ, tiến quân qua sông vào thành Thăng Long, giao cho Lê Quảng Độ coi việc triều chính.

Tháng 11-1516, Duy Sản cùng Nguyễn Hoằng Dụ dẫn các tướng đi đánh Trần Cao ở xã Trâu Sơn, huyện Chí Linh. Quân của Trần Cảo đánh nhau giáp lá cà với quân Duy Sản ở xã Nam Giản. Quân khởi nghĩa tới khiêu chiến, Trịnh Duy Sản tự mình đi tiên phong đánh vào trại Trần Cao. Trần Cao biết Sản nôn nóng muốn thắng bèn đặt phục binh, đánh tan quân triều đình. Trịnh Duy Sản cùng Nguyễn Thượng bị Trần Cao bắt sống mang về hành dinh ở Vạn Kiếp giết chết.

Trần Cao thừa thắng xông lên, tiến quân thẳng đến Bồ Đề để đánh kinh thành một lần nữa, Lê Chiêu Tông liền sai tướng quân Thiết Sơn bá Trần Chân mang quân ra đón đánh. Trần Cao vì chủ quan nên bị thua nặng nề, phải chạy lên Lạng Nguyên. Sau đó, Trần Cao truyền ngôi cho con là Trần Cung rồi cạo đầu làm sư, giấu tên để trốn tránh. Trần Cung nhân lúc các tướng nhà Lê tranh giành quyền bính giết hại lẫn nhau, tiếp tục chiếm cứ phía đông chống lại triều đình, cũng xưng làm vua, đặt niên hiệu là Tuyên Hòa, tới tận năm 1521 mới thất bại dưới tay Mạc Đăng Dung.

Lời bàn:

Triều hậu Lê kể từ Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đến Cung Hoàng (1527) gồm 10 đời vua, kéo dài 100 năm. Đây là thời kỳ các vua Lê được nắm trọn quyền cai trị đất nước và là thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam đạt tới mức cực thịnh trên mọi lĩnh vực. Các nhà sử học gọi là thời Lê sơ để phân biệt với thời Lê trung hưng. Sau đó, phần lớn những vị vua nhà Lê thời này đều là những ông vua bù nhìn hoặc nhu nhược. Song nguyên nhân sụp đổ của nhà Lê là do Lê Chiêu Thống bán nước, “cõng rắn cắn gà nhà” khiến lòng người dân bấy giờ chán ghét nên sụp đổ là lẽ tất yếu của lịch sử. Vì thế, sau này nhiều thế lực khác nổi dậy đòi khôi phục nhà Lê cũng đều thất bại.

Và thời Lê trung hưng cũng là giai đoạn ở nước ta xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân. Và cuộc khởi nghĩa Trần Cao là khởi nghĩa lớn nhất, tuy cuối cùng thất bại nhưng đã khiến triều đình nhà Lê khi đó phải nhiều phen nghiêng ngả. Trong thời gian đầu, cuộc khởi nghĩa liên tiếp giành được thắng lợi to lớn và đã giáng một đòn mạnh vào bộ máy thống trị thối nát của triều đại phong kiến thời hậu Lê. Đồng thời, nhân cơ hội đó, các lực lượng quân phiệt lợi dụng việc chống lại Trần Cao để phát triển lực lượng cho mình và hình thành các thế lực chia rẽ, chống đối nhà Lê. Chính vì thế, cuộc khởi nghĩa của Trần Cao đã góp phần tích cực làm cho triều đình nhà Lê trung hưng sụp đổ nhanh chóng.

ND

  • Từ khóa
109774

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu