Thứ 4, 24/04/2024 16:28:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:35, 18/07/2017 GMT+7

Khởi nghiệp thành công trên quê hương

Thứ 3, 18/07/2017 | 08:35:00 397 lượt xem
BP - Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phạm Thế Sơn (1989), tìm cho mình một công việc phù hợp tại công ty tư nhân ở tỉnh Bình Dương. Thế nhưng với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống, anh Sơn đã trở về và thành lập công ty riêng tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến (Bù Đốp). Đến nay, anh Sơn có 10 ha đất trồng tiêu, cao su và Công ty TNHH MTV Môi trường xanh SAMAKI chuyên về sản xuất nước tinh khiết, cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.

25 tuổi trở thành giám đốc

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học Trường đại học Bình Dương, anh Sơn tìm việc làm tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhưng không được. Sau đó, anh xin vào làm việc tại công ty tư nhân về xử lý nước thải, nước cấp ở tỉnh Bình Dương. Chán cảnh làm công lại xa nhà, năm 2014 anh Sơn nghỉ việc, về quê mở Công ty TNHH MTV Môi trường xanh SAMAKI chuyên sản xuất và phân phối nước tinh khiết đóng bình, chai. Đồng thời mở dịch vụ tư vấn về môi trường, thiết kế lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, nước tinh khiết, nước cấp và cung cấp các thiết bị vật tư ngành nước.

Sản xuất - kinh doanh nước uống tinh khiết giúp gia đình anh Phạm Thế Sơn (phải) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm

Anh Sơn cho biết: “Những năm trước, đa số người dân trên địa bàn đều sử dụng nước giếng phục vụ sinh hoạt. Gia đình nào có điều kiện thì mua bình lọc về sử dụng. Còn lại dùng trực tiếp hoặc để lắng cặn bằng cách bơm lên bồn. Thấy nguồn nước người dân sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh nên tôi quyết định mở công ty sản xuất nước tinh khiết. Những ngày mới thành lập công ty gặp không ít khó khăn do chưa có thị trường, kinh nghiệm, lại thiếu nhân lực, trong khi phải cạnh tranh với các công ty sản xuất nước tinh khiết trên địa bàn. Để khắc phục khó khăn, tôi từng bước tìm hiểu thị trường và học hỏi kinh nghiệm ở những công ty lớn. Tôi nhận thấy muốn có chỗ đứng thì chất lượng phải đặt hàng đầu”. Với những kiến thức đã học, anh Sơn tự thiết kế dây chuyền sản xuất nước cho công ty mình. Sản phẩm nước đóng chai của công ty được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Từ đây, thương hiệu nước uống của gia đình anh Sơn dần có vị trí trên thị trường. Trung bình một ngày, công ty anh cung cấp ra thị trường từ 500-600 bình nước loại 20 lít và khoảng 600 chai từ 350ml đến 1,5 lít. Mỗi năm anh Sơn thu về từ sản xuất - kinh doanh nước uống trên 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 10 lao động là đoàn viên thanh niên tại địa bàn với mức lương từ 4-4,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh Sơn còn nhận tư vấn về môi trường và đấu thầu các công trình xử lý nước thải, cấp nước. Hiện anh có đội ngũ nhân công lành nghề khoảng 40 người chuyên về xử lý nước thải, cấp nước tại các tỉnh, thành phố. Mỗi năm anh nhận từ 1-2 công trình xử lý nước thải cho các công ty lớn tại tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, mỗi công trình trị giá từ 500-700 triệu đồng.

Thanh niên sản xuất giỏi

Ngoài kinh doanh, anh Sơn còn được mọi người biết đến là thanh niên sản xuất, chăn nuôi giỏi. Hiện anh canh tác 10 ha đất trồng tiêu và cao su của gia đình. Điều thuận lợi nhất đối với anh Sơn là học ngành công nghệ sinh học nên đã áp dụng những kiến thức cùng kinh nghiệm thực tế để chăm sóc cây trồng. Nhờ đó vườn cây của gia đình anh luôn phát triển tốt và cho năng suất cao. Trung bình một năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 người và khoảng 20 lao động thời vụ với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

“Phạm Thế Sơn là đoàn viên sản xuất - kinh doanh tiêu biểu của huyện, là tấm gương để đoàn viên thanh niên noi theo. Không những phát triển kinh tế gia đình, anh Sơn còn giàu lòng nhân ái và năng động, sáng tạo trong các hoạt động, phong trào đoàn và thanh thiếu nhi. Đặc biệt, với mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh Sơn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa bàn, trong đó phần đông là đoàn viên thanh niên...”.

Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp Hồ Bá Toàn

Ngoài làm vườn, anh Sơn nuôi thêm dê. Hiện đàn dê của gia đình anh có 50 con, hằng năm xuất bán khoảng 60 con (từ 25-30kg/con) với giá 80-100 ngàn đồng/kg. Nuôi dê không những giúp gia đình anh có thêm nguồn thu mà còn tiết kiệm được khoản tiền lớn phân  bón cho cây trồng. Anh Sơn nói: “Khi chưa nuôi dê, mỗi năm gia đình tôi phải bỏ ra khoảng 150 triệu đồng mua phân chuồng về bón cho vườn tiêu, cao su. Từ khi nuôi dê, gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng tiền mua phân bón; đồng thời tận dụng lá cây trong vườn làm thức ăn cho dê”.

Khi kinh tế ổn định, gia đình anh Sơn có điều kiện tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Hằng năm, anh ủng hộ từ 20-25 triệu đồng để cùng xã, Huyện đoàn mua quà tết và xây tặng nhà đại đoàn kết, nhân ái cho các gia đình khó khăn trên địa bàn. Anh còn sẵn sàng giúp hộ nghèo, khó khăn vươn lên phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ vay vốn. Gia đình anh Nguyễn Duy Hùng, ở  ấp Tân Hội, xã Tân Thành (Bù Đốp) là hộ khó khăn của xã. Năm 2015, anh Hùng được anh Sơn hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để trồng cây tiêu. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Mới ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến cũng được anh Sơn cho vay 30 triệu đồng làm vốn bán cá cảnh. Nhờ đó, đến nay kinh tế gia đình anh Hùng và anh Mới đã ổn định.

Thùy Hương

  • Từ khóa
38434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu