Thứ 5, 25/04/2024 11:55:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:40, 25/07/2017 GMT+7

Khởi nghiệp từ trung tâm luyện chữ đẹp

Thứ 3, 25/07/2017 | 14:40:00 4,367 lượt xem
BP - Người chúng tôi muốn nhắc đến là cô Phạm Thị Thủy (1989, trú phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, vào Bình Phước lập nghiệp năm 2009. Xuất phát điểm là giáo viên tại một trường tiểu học ở xã Phú Văn, từ tháng 10-2016 cô chuyển về dạy ở Trường tiểu học Đồng Tiến (Đồng Phú) ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Thủy còn mở một trung tâm luyện chữ đẹp cho mọi người.

Chúng tôi tình cờ gặp cô Thủy tại một lớp luyện chữ đẹp cho giáo viên các trường tiểu học ở huyện Phú Riềng. Hình ảnh gây chú ý cho chúng tôi là người dạy tuổi đời chưa đầy 30, trong khi học sinh nhiều người lớn tuổi hơn khá nhiều. Học sinh của cô Thủy là những giáo viên đang dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trước đây, do yếu tố khách quan nên những giáo viên này không được học phương pháp viết chữ chuẩn và đẹp. Để phục vụ việc dạy và học tốt hơn, các giáo viên đã tìm đến lớp luyện chữ đẹp do cô Thủy mở.

Cơ duyên đến với nghề  

Sau buổi dạy luyện viết chữ đẹp, Thủy tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Cô cho biết: “Khi còn học phổ thông, tôi không chú trọng rèn chữ nên chữ viết không đẹp. Có lần cô giáo góp ý là tôi viết chữ xấu cần luyện viết nhiều hơn. Tôi thấy tự ti về chữ viết của mình và quyết tâm phải luyện cho thật đẹp. Tuy nhiên, do chưa ý thức nhiều về việc học viết chữ đúng, đẹp nên tôi cũng chỉ học đối phó”.

Cô Phạm Thị Thủy luyện viết chữ đẹp tại lớp học dành cho cả người lớn và trẻ em

Mãi đến lúc đi học tại Trường cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, Thủy mới hiểu được sự quan trọng và cần thiết của nét chữ để phục vụ nghề của mình. Với quan điểm “cô có viết đẹp thì trò mới viết đẹp”, Thủy dành nhiều thời gian học viết chữ tại các trung tâm luyện viết chữ đẹp. Ban ngày đi học ở trung tâm, tối về Thủy tự ngồi luyện viết chữ.

Thủy nói: “Lúc đầu luyện chữ tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì để viết được chữ đẹp thì phải cầm bút đúng cách, trong khi tôi đã có thói quen cầm sai. Do đó, tôi phải sửa cách cầm bút sau đó mới luyện từng nét, từng chữ. Cứ rảnh lúc nào là tôi luyện viết chữ lúc đó, nhiều hôm đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Vừa đúc kết phương pháp luyện viết chữ đẹp riêng cho mình, đồng thời tự sáng tạo thêm”.

“Trái ngọt” đầu mùa

Năm 2009, Thủy tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và về dạy bậc tiểu học ở xã Phú Văn. Công tác ở một xã nghèo, Thủy được phân công dạy ở điểm lẻ trường tiểu học thôn Đắk Son, học sinh phần đông là con em dân tộc ít người. Cuộc sống gia đình các em còn thiếu thốn, vốn tiếng Việt ít, nhiều em chưa biết viết, viết sai chính tả, viết chữ quá xấu. Đó là những khó khăn khiến cô Thủy luôn trăn trở và tìm hướng giải quyết. Cô Thủy nói: “Tôi tự phân chia học sinh trong lớp thành các nhóm: viết tốt; chưa biết viết, viết xấu; viết chưa đúng, sai chính tả nhiều để có phương pháp dạy phù hợp. Tranh thủ đầu giờ học, giờ ra chơi, các ngày nghỉ tôi dạy các em cách cầm bút, để vở, những nét cơ bản ban đầu đến các chữ thường, chữ hoa, viết số... Cứ như vậy, xuyên suốt nhiều năm học, các em tiến bộ vượt bậc. Và bước ngoặt trong nghề luyện chữ là cuộc thi chữ đẹp là năm học 2012-2013 học sinh của tôi có 3 em đạt giải viết chữ đẹp cấp trường, 2 em đạt giải cấp huyện, 1 em được chọn đi thi cấp tỉnh. Đó là trái ngọt đầu tiên tôi nhận được sau nhiều năm uốn nắn, rèn luyện nét chữ cho các em”.

“Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là tổ chức được nhiều lớp dạy chuyên đề viết chữ cho giáo viên các trường trong, ngoài tỉnh và học sinh. Người ta thường nói “học sinh như một trang giấy trắng, thầy cô viết lên cái gì thì các em sẽ học thầy cô rất nhanh”. Vì vậy, giáo viên viết chữ đẹp thì học sinh sẽ rèn chữ đẹp. Thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức lớp luyện chữ đẹp miễn phí cho học sinh vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - cô Phạm Thị Thủy cho biết.

Cũng từ đó, cô Thủy được ban giám hiệu các trường tiểu học trong huyện, tỉnh, thầy cô giáo, phụ huynh biết tới và tin tưởng mời về tổ chức dạy chuyên đề luyện chữ cho cán bộ, giáo viên cũng như luyện cho đội tuyển thi chữ đẹp. Qua các lớp luyện chữ của cô Thủy, chữ viết giáo viên chuẩn hơn, đẹp hơn, các đội tuyển thi chữ đẹp luôn đạt giải cao. Điển hình như Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Phước Long) đạt giải nhất toàn đoàn nhiều năm liền; các trường Trương Vĩnh Ký, Chu Văn An cũng luôn đạt giải cao trong cuộc thi viết chữ đẹp do Phòng GD-ĐT Phước Long tổ chức.  Đến nay, cô Thủy đã dạy luyện chữ đẹp cho giáo viên, học sinh hàng chục trường tiểu học ở các huyện, thị xã trong tỉnh như: Đồng Xoài, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long, Đồng Phú... Trong các lớp luyện chữ đẹp của cô Thủy tổ chức, nhiều giáo viên ở tỉnh Bình Dương cũng đến học.

Cô Nguyễn Thị Uyên, Phó phòng GD-ĐT huyện Phú Riềng cho biết: “Đối với giáo viên tiểu học, chữ viết rất quan trọng. Do đó hằng năm ngành tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp cho giáo viên và học sinh. Từ khi cô Thủy mở các lớp luyện chữ đẹp cho giáo viên trên địa bàn huyện, chữ viết của giáo viên tiến bộ vượt bậc. Ngoài đóng góp vào việc luyện chữ, cô Thủy còn giúp ngành trong tổ chức các kỳ thi luyện chữ đẹp trên địa bàn huyện”.

Khởi nghiệp trên vùng đất hứa

Xuất phát từ nhu cầu học viết chữ đẹp, chữ sáng tạo, cô Thủy đã mở lớp luyện chữ đẹp tại thị xã Đồng Xoài. Hiện nay, lớp thu hút đông học viên không chỉ khu vực Đồng Xoài, Đồng Phú mà còn ở Chơn Thành, Bù Đăng, Lộc Ninh, thậm chí ở các tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh cũng đến học. Đối tượng học không chỉ là giáo viên, sinh viên sư phạm, học sinh mà còn rất nhiều người ở các ngành nghề khác như công chức, nhân viên ngân hàng... Có trường hợp người nội trợ cũng theo học về để rèn luyện chữ cho con em mình.

Vừa qua, cô Thủy được Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với tên gọi “Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng luyện chữ đẹp Phương Thủy” tại phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Đây là trung tâm luyện chữ đẹp đầu tiên và duy nhất ở Bình Phước. Trung  tâm có chức năng rèn luyện kỹ năng viết chữ đẹp, tính cẩn thận, tỉ mỉ, óc sáng tạo, tư duy thẩm mỹ với các chương trình đào tạo: Luyện chữ viết; các kỹ năng cơ bản; luyện tập chữ thường, chữ số, chữ hoa, các kỹ năng viết, trình bày văn bản viết...  

PV Nội chính

  • Từ khóa
38435

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu