Thứ 5, 28/03/2024 20:08:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:38, 11/05/2017 GMT+7

Khởi sắc ở khu định canh, định cư Lộc Thành

Thứ 5, 11/05/2017 | 13:38:00 6,480 lượt xem

BP - Khu định canh, định cư xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011 theo Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 5-10-2011 của UBND tỉnh Bình Phước “Phê duyệt dự án đầu tư hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Lộc Thành và Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh”. Đến nay, 62 hộ DTTS có thu nhập từ điều, chăn nuôi và chung sức bảo vệ an ninh biên giới. Khu định canh, định cư Lộc Thành được đánh giá thành công nhất trong thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về định canh, định cư cho hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh; là khu dân cư kiểu mẫu trên tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên và phát huy hiệu quả phong trào nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ biên giới vững chắc.

NIỀM VUI TRÊN KHU định canh, định cư

10km từ trung tâm xã biên giới Lộc Thành, dọc con đường sỏi đỏ rộng giáp ranh Khu du lịch sinh thái - lịch sử Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết hiện lên trước mắt chúng tôi là khu dân cư mới với cơ sở hạ tầng bài bản từ điện, đường, trường, trạm và công trình cấp nước tập trung của khu định canh, định cư Lộc Thành, đứng chân trên ấp biên giới Cần Dực.

Chạy một vòng theo các con đường sỏi đỏ trong khu dân cư chúng tôi thấy những vườn điều đã cho trái bói. Nhiều vườn điều đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản người dân trồng xen mì để lấy ngắn nuôi dài. Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thành Ngô Văn Trạm cho biết, do hôm nay thông báo họp dân nên các hộ đều cử người ở nhà, còn thường ngày chỉ có người già, trẻ em. Người lớn đều đi làm thuê ở các trang trại hoặc công trình xây dựng. Tuy xa trung tâm nhưng ở đây không thiếu việc với nhiều nghề từ khoan giếng, phụ hồ, làm nông, cạo mủ cao su... Từ một vùng đất hoang sơ, khu dân cư mới nay đã xanh tươi tràn sức sống.

 

Khu định canh, định cư xã Lộc Thành được đầu tư khang trang, bài bản giúp người dân yên tâm lập nghiệpKhu định canh, định cư xã Lộc Thành được đầu tư khang trang, bài bản giúp người dân yên tâm lập nghiệp

Gia đình chị Thị Dung - anh Điểu Thành (49 tuổi) ở trước cổng nhà văn hóa cộng đồng. Hôm nay, chị Thị Dung được phân công ở nhà để họp khu dân cư. Anh Điểu Thành và con trai Điểu Công đi hái tiêu thuê. Cuối năm 2013, gia đình chị Thị Dung là một trong những hộ đầu tiên vào nhận đất, nhận nhà ở khu định canh, định cư. Chị Dung phấn khởi: “Năm nay, điều đã cho thu hoạch vụ đầu, tuy sản lượng ít nhưng gia đình tôi không trồng xen mì nữa. Mùa tiêu này nhà vườn trả công 150 ngàn đồng/ngày/người nhưng nếu chịu khó làm thêm 1 giờ thưởng thêm 20 ngàn đồng/người/ngày. Như vậy, thu hoạch điều có tiền dư còn làm thuê hằng ngày nếu chi tiêu tiết kiệm là có của ăn của để. Hết mùa hái tiêu thì làm cỏ, bón phân...”.  

Từ Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh lên Lộc Ninh làm nghề đào giếng, anh Cao Văn Lập quen và kết duyên với chị Thị Xen đã có 1 đời chồng và 2 con ở sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện. Thị Xen là chị cả trong gia đình đông con nên cha mẹ không có của hồi môn cho con gái. Ở chung với cha mẹ theo phong tục người S’tiêng nên vợ chồng chị Thị Xen khó thoát khỏi hộ nghèo của xã. Được vào định canh, định cư ở khu dân cư mới và được cấp đất sản xuất, cấp nhà ở, anh Lập vẫn theo nghề đào giếng, phụ hồ. Chị Thị Xen ở nhà chăm sóc vườn điều, chăn nuôi gà, vịt. Chị Xen nói: “Cuộc sống của gia đình tôi ở khu định canh, định cư  hiện nay như một giấc mơ”.

“TAI MẮT” TRÊN BIÊN GIỚI

Niềm vui và hạnh phúc ngập tràn ở gia đình anh Lâm Lân (1963) - Thị Sony (1987). Anh Lâm Lân là Phó ban điều hành ấp Cần Dực. Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thành Ngô Văn Trạm cho biết, gia đình anh Lâm Lân nghèo là do vợ đầu (đã mất) bị bệnh triền miên. Vợ sau là chị Thị Sony bị mù. Gia đình không có đất sản xuất nên chỉ trông chờ vào tiền làm thuê của anh Lân. Anh Lân là cán bộ ấp nhiệt tình với công việc nhiều nhiệm kỳ. Vào khu định canh, định cư, anh luôn vận động bà con: “Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây nhà, cho đất thì bà con mình phải lo làm ăn, không trông chờ, ỷ lại, đồng thời phải là “tai mắt” để góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

“Xây dựng gia đình hạnh phúc và bảo vệ an ninh biên giới”, Phó ấp Cần Dực Lâm Lân vận động người dân trong khu định canh, định cư“Xây dựng gia đình hạnh phúc và bảo vệ an ninh biên giới”, Phó ấp Cần Dực Lâm Lân vận động người dân trong khu định canh, định cư

Phó chủ tịch UBND xã Ngô Văn Trạm cho biết thêm, hiện khu định canh, định cư đã được giao về xã Lộc Thành quản lý. Trước đó, năm 2011 sau khi nhận được quyết định xây dựng khu định canh, định cư, Đảng ủy, chính quyền cơ sở đã bình chọn hộ nghèo đúng tiêu chí vào khu định canh, định cư lập nghiệp. Trong tổng số 62 hộ đồng bào DTTS, có 35 hộ ở xã Lộc Thiện và 27 hộ xã Lộc Thành. Sau 3 năm cuộc sống của người dân đã ổn định và  đoàn kết tập trung giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

UBND xã Lộc Thành cũng đã xây dựng kế hoạch cho người dân tập huấn các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời thường xuyên tuyên truyền vận động bà con đoàn kết, có trách nhiệm trong sử dụng hiệu quả, bảo quản các công trình công cộng; thực hiện tốt quy định pháp luật trên biên giới; cùng chính quyền cơ sở, bộ đội biên phòng cảnh giác với các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới. 

Theo Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 5-10-2011 của UBND tỉnh Bình Phước, khu định canh, định cư Lộc Thành với tổng diện tích xây dựng 80 ha, tại Tiểu khu 213 Ban quản lý rừng Tà Thiết, ấp Cần Dực, xã Lộc Thành. Cùng với việc khai hoang mặt bằng, phân tái định canh 62 lô và định cư 62 lô thì các hạng mục phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con gồm: 2 tuyến đường giao thông nội vùng với chiều dài 1.709m, trạm y tế, trường mẫu giáo, trường tiểu học, điện thắp sáng với 2 trạm biến áp 50kVA, đường điện hạ thế dài 3.230m và 406m đường điện trung thế; trạm cấp nước sinh hoạt tập trung; nhà văn hóa cộng đồng đều được đầu tư xây dựng mới khang trang sạch, đẹp, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới trên biên giới. Tổng kinh phí đầu tư khu định canh, định cư theo Quyết định số 33 ở xã Lộc Thành hơn 12 tỷ đồng.

“Khu định canh, định cư đã có cơ sở hạ tầng về trường - trạm mong ngành y tế, giáo dục phân bổ cán bộ, giáo viên phục vụ bà con trong khu dân cư”.

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thành Ngô Văn Trạm

Phương Hà

  • Từ khóa
1350

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu