Thứ 6, 19/04/2024 20:59:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:15, 12/07/2018 GMT+7

Khởi sắc ở một ấp vùng sâu

Thứ 5, 12/07/2018 | 14:15:00 2,355 lượt xem
BP - Trở lại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một ấp vùng sâu. Con đường ĐT753 từ thị xã Đồng Xoài vào ấp Thạch Màng được trải nhựa bằng phẳng, rộng rãi và tấp nập người qua lại. Tại ngã ba trung tâm ấp, các cửa hàng mọc lên, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Để có diện mạo mới này, Thạch Màng đã trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách...

Thạch Màng là ấp vùng sâu của huyện Đồng Phú. Diện tích 8.700 ha, nhưng ấp chỉ có 350 hộ sinh sống, với trên 1.400 người, trong đó hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trần Văn Nhiên, Trưởng ấp cho biết: Thạch Màng  địa bàn rộng, dân cư ít, lại sống không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều... nên việc tuyên truyền vận động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ban ấp đã thành lập Ban phát triển xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: tổ chức họp dân, phát trên hệ thống truyền thanh của ấp. Ban ấp còn đến từng hộ, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên tuyên truyền người thân trong gia đình để mọi người dân hiểu về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, từ đó thực hiện tốt.

Tiệm tạp hóa của người dân tại khu định canh, định cư Thạch Màng

Để người dân từng bước cảm nhận rõ hơn về lợi ích từ xây dựng nông thôn mới, ban ấp đã chọn tuyến từ ĐT753 đến khu vực gia đình ông Điểu Xẻn dài 3km làm thí điểm nâng cấp, mở rộng đường và kéo điện. Đây là tuyến đường đất chỉ rộng 2m. Ban ấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến cây mở đường rộng 3m, nâng cấp thành đường cấp phối sỏi đỏ và kéo điện cho 30 hộ dân đang sinh sống dọc hai bên đường. Sau khi tuyên truyền, vận động, người dân đã thống nhất cao và đồng thuận hiến đất, cây mở rộng tuyến đường. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Tiến Hải hiến 105 cây cao su, hơn 1 sào đất để làm đường; gia đình ông Dương Văn Mão hiến 20 cây điều, 20 cây giá tỵ, 0,5 sào đất. Ông Mão cho biết: “Nhà nước mở rộng đường để mình và nhân dân đi lại thuận tiện hơn thì gia đình tôi sẵn sàng hiến cây, đất”.

Đến nay, Thạch Màng đã làm mới 2 tuyến đường, nâng cấp 1 tuyến cấp phối sỏi đỏ với tổng chiều dài 5,6km. Trong đó, nhân dân tự nguyện chặt bỏ 427 cây cao su, 100 cây ăn trái các loại. Ban ấp đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp hơn 83,5 triệu đồng sửa chữa nhà văn hóa ấp. Các cấp chính quyền và ngành chức năng đã nâng cấp và xây dựng thêm 2 phòng học điểm trường tiểu học; xây dựng 2 phòng học cho học sinh mầm non; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng 18 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, dự án hỗ trợ bò, thỏ... để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Cuối năm 2017, ấp chỉ còn 49 hộ nghèo, giảm 47 hộ so với đầu năm.

Đến nay, con đường từ trung tâm ấp Thạch Màng vào khu định canh, định cư 61 hộ đồng bào dân tộc thiểu số dài khoảng 7km được trải nhựa phẳng lì. Thực hiện Chương trình 33 của Chính phủ, năm 2011, huyện Đồng Phú đã giao đất ở và đất sản xuất cho 61 hộ dân tộc thiểu số thuộc xã Thuận Lợi (Đồng Phú) được hưởng dự án định canh, định cư tập trung tại ấp Thạch Màng, với diện tích 54,78 ha. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành xây dựng các tuyến đường liên thôn vào khu định canh, định cư và các tuyến đường nội ô, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại; xây dựng hệ thống nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá hơn 600 triệu đồng... Trạm Khuyến nông huyện thực hiện dự án mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực định canh, định cư tập trung. Các cấp chính quyền thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu, tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đưa điện vào khu định canh, định cư ấp Thạch Màng với chiều dài hơn 11km, tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Trước đây, 100% hộ dân ở ấp đều là hộ nghèo, đến nay chỉ còn 25 hộ nghèo. Nhiều gia đình đã nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu, điển hình như gia đình chị Thị Bé, dân tộc S’tiêng. Từ 7,5 sào đất Nhà nước cấp, chị trồng cao su, điều đến nay đã cho thu hoạch. Chồng chị làm công nhân tại Nông trường cao su Tân Hưng với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị còn mở quán tạp hóa, nước giải khát phục vụ người dân. Hiện hộ chị đã xây dựng căn nhà khang trang và mua được xe máy, ôtô...

Ông Trần Văn Nhiên, Trưởng ấp kiêm Trưởng ban an ninh ấp cho biết thêm: Là ấp vùng sâu, tình hình an ninh khá phức tạp nên việc thực hiện tiêu chí an ninh trật tự xã hội rất khó khăn. Mặc dù hằng năm, chi bộ, ban ấp đều có kế hoạch bảo đảm an ninh; triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp, nghiệp vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tổ chức tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng khó lường trước những vụ tai nạn giao thông hoặc trọng án xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự phối hợp của ngành chức năng, ban ấp đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm nên tình hình an ninh trật tự bảo đảm. 2 năm liên tục 2016 và 2017, ấp Thạch Màng được UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ông Bùi Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng nông thôn mới tại ấp vùng sâu, khó khăn như Thạch Màng là ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng là phải phát huy được trí tuệ và sức mạnh của người dân, huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng kế hoạch, đề án phải thật cụ thể, chi tiết; căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung làm trước, nội dung làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Thạch Màng là điển hình trong xây dựng nông thôn mới của xã.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
1430

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu