Thứ 7, 20/04/2024 18:59:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:25, 14/11/2015 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH:

Không cần thiết có thêm Chương XX

Thứ 7, 14/11/2015 | 15:25:00 2,066 lượt xem

BP - Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi (Dự thảo Online) gồm 22 chương, với 342 điều. Trong đó, Chương XX là hoàn toàn mới, gồm có 8 điều, từ Điều 318 đến Điều 326 và tên gọi của chương này là: Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính. Cụ thể tên của 8 điều trong chương này như sau: Điều 318: Xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa. Điều 319: Xử lý các hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của tòa án. Điều 320: Xử lý hành vi xúc phạm uy tín của tòa án, danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án. Điều 321: Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của tòa án. Điều 322: Xử lý hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của tòa án. Điều 323: Xử lý hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án. Điều 324: Xử lý hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án: Điều 325. Xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Điều 326: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt.

Các điều trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi và dự thảo Pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân hoàn toàn giống nhau. Trong ảnh là một phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài - Ảnh: T.PhươngCác điều trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi và dự thảo Pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân hoàn toàn giống nhau. Trong ảnh là một phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài - Ảnh: T.Phương

Căn cứ vào tên gọi và nội dung của các điều trong Chương XX của dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi, tôi đề nghị bỏ chương này vì đã được quy định trong dự thảo Pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân. Hơn nữa, không những tên gọi mà nội dung của các điều trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi và dự thảo Pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân hoàn toàn giống nhau. Cụ thể, trong Chương II của dự thảo Pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân (được tải trên trang Dự thảo Online) có tên gọi là: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, hình thức, mức xử lý. Chương này gồm 10 điều, từ Điều 16 đến Điều 25, với tên gọi của các điều như sau: Điều 16 là các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Điều 17: Xử lý các hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa. Điều 18: Xử lý các hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của tòa án. Điều 19: Xử lý hành vi xúc phạm uy tín của tòa án, danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án. Điều 20: Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của tòa án. Điều 21: Xử lý hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của tòa án. Điều 22: Xử lý hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án. Điều 23: Xử lý hành vi cản trở việc thành lập, tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật phá sản theo yêu cầu của tòa án. Điều 24: Xử lý hành vi không tham gia, cản trở việc tham gia Hội nghị chủ nợ. Điều 25: Xử lý hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa án.

Tại Điều 32 trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi là những quy định về thẩm quyền của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, với nội dung như sau: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó. Khiếu kiện về danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án.

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo của Điều 32 này. Vì theo tôi thì việc tòa án nhân dân cấp huyện xét xử vụ kiện đối với chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh là hợp lý và ngang cấp. Hơn nữa, quy định như dự thảo là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân không phải tốn kém chi phí và công sức đi lại. Bên cạnh đó, nếu như vụ kiện hành chính ở cấp huyện mà giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử thì bộ máy của tòa án nhân dân cấp tỉnh không thể đáp ứng. Do đó, ở tòa án cấp tỉnh sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng án quá hạn định sẽ tăng cao. Đồng thời, thực tế cuộc sống cho thấy, việc rắc rối trong các vụ án hành chính không chỉ ở tòa mà cả thi hành án. Do đó, để thuận lợi cho việc thi hành án tại cơ sở, thì án hành chính cấp nào nên để cấp đó xét xử là phù hợp.

N.V

  • Từ khóa
14377

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu