Thứ 5, 28/03/2024 22:57:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:20, 02/11/2017 GMT+7

Không chỉ đơn thuần là gian lận...

Thứ 5, 02/11/2017 | 09:20:00 135 lượt xem

BP - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chỉ đạo bộ phận chức năng chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang cơ quan công an để điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này. Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đề nghị phải xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng khác. Vì sự gian dối của Khaisilk không chỉ làm tổn hại đến lòng tin của khách hàng và bóp chết doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn tổn hại đến uy tín quốc gia.

Khaisilk là thương hiệu lụa Việt nổi tiếng của Công ty TNHH Khải Đức tại địa chỉ số 113 Hàng Gai (Hà Nội). Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1989, với chức năng kinh doanh hàng dệt may, trong đó sản phẩm lụa mang thương hiệu Việt là một thế mạnh của công ty. Nhờ kinh doanh hàng Việt nên những năm qua, người tiêu dùng luôn ủng hộ hết mình đối với các sản phẩm của đơn vị này. Cũng nhờ vậy, doanh nghiệp nhanh chóng phát triển thành một tập đoàn kinh doanh đa nghề từ các sản phẩm dệt may đến nghỉ dưỡng, bất động sản, địa ốc và trung tâm thương mại... Cũng từ thành công này, ông Hoàng Khải, chủ tập đoàn này đã rất mạnh miệng phát biểu về những “kinh nghiệm khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, lương tâm doanh nhân”...

Thế nhưng, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, khách hàng đã phát hiện lụa bán tại doanh nghiệp này là sản phẩm của Trung Quốc được gắn thương hiệu Việt Nam. Sau khi vụ việc được phát hiện, ông Hoàng Khải đã phải thừa nhận khoảng 50% sản phẩm lụa bán tại doanh nghiệp này đều là hàng Trung Quốc. Vụ việc đã tạo ra cú sốc làm sụp đổ lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với doanh nghiệp này. Trong lễ ra mắt Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng có ý kiến về Khaisilk. Bởi việc làm của doanh nghiệp này không chỉ vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và đạo đức kinh doanh, mà còn làm tổn hại đến giá trị thương hiệu Việt, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính ở Việt Nam.

Tại chợ Đồng Xoài, tình trạng hàng hóa “lẫn lộn” giữa thương hiệu Việt với hàng Trung Quốc hay các nước khác không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt,  các loại trái cây, rau củ vùng ôn đới, nội tạng gia súc, gia cầm..., rất khó để người tiêu dùng phân biệt thật - giả, hoặc có hay không bảo đảm an toàn thực phẩm. Mọi việc đều chỉ dựa vào niềm tin của người mua đối với người bán và giá cả có hợp lý hay không. Bởi tất cả hàng hóa, sản phẩm nêu trên không hề có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Hiện ở chợ Đồng Xoài nhiều sản phẩm như cam, táo, lê, nho, hay tỏi, hành, su su, bắp cải... của những người bán rong đều có giá bán chỉ bằng ½ các hộ kinh doanh trong chợ. Khi hỏi về nguồn gốc, chất lượng thì người bán ai cũng khẳng định là hàng Việt. Ngay như cua biển được giới thiệu là cua Cà Mau cũng được bày bán nhiều nơi trên vỉa hè ở thị xã Đồng Xoài nhưng giá chỉ bằng 1/2 so với tại Cà Mau?

Vì vậy, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chức năng chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang Công an thành phố Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định là việc làm rất cần thiết. Bởi sai phạm của Khaisilk không chỉ về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa mà còn là yếu tố kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật. Sự việc nêu trên không còn đơn thuần là hành vi gian lận, mà là “công nhiên chiếm đoạt niềm tin” của người tiêu dùng và tất nhiên, cái giá mà chủ doanh nghiệp Khaisilk phải trả sẽ vô cùng đắt.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108748

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu