Thứ 5, 28/03/2024 21:11:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:19, 03/05/2018 GMT+7

Không chỉ người làm giáo dục phải suy ngẫm

Thứ 5, 03/05/2018 | 08:19:00 149 lượt xem
BP - Thời điểm này, hàng triệu học sinh trong cả nước đang tập trung ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trái ngược với tình trạng quá “hút” của các ngành học khối A, B, D là tình trạng hồ sơ thưa thớt của khối C vào các ngành khoa học xã hội (KHXH). Thậm chí nhiều trường cao đẳng, đại học tuyển sinh không có hồ sơ nào cho khối C, dẫn đến phải “khai tử” khối này ra khỏi chỉ tiêu tuyển sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cho thấy sự “thê thảm” của khối C. Cho đến tận những ngày cận thi 7-5, số hồ sơ của 30 sở GD-ĐT ở các tỉnh phía Nam cho thấy lượng thí sinh chỉ đổ dồn về khối A, B, D. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có tổng số 151.000 hồ sơ nhưng khối C chỉ chiếm khoảng 1,4%. Thành phố Đà Nẵng số lượng hồ sơ khối C có khá hơn nhưng cũng chiếm chưa tới 4%. Hà Nội có hơn 7.000 hồ sơ đăng ký khối C trên tổng 165.502 hồ sơ. Thậm chí có trường THPT như Việt Đức chỉ vẻn vẹn... 3 hồ sơ thi trên 2.200 hồ sơ cao đẳng, đại học chọn khối C...

Có nhiều nguyên nhân khiến các thí sinh “quay lưng” với khối C. Trước đây, các ngành xã hội và nhất là nghề giáo được coi trọng, việc chọn trường khối C diễn ra rầm rộ, sôi nổi thì bây giờ khối C đang dần bị thất thế bởi một thực tế là học ngành xã hội ra trường rất khó xin việc và lương thấp. Không chỉ giảm mạnh về số lượng mà chất lượng đầu vào của sinh viên các ngành KHXH những năm gần đây cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thi khối C, học sinh phải học thuộc lòng nhiều nên cần chăm chỉ miệt mài cao độ. Trong đó Văn yêu cầu năng khiếu tư duy và viết; môn Địa yêu cầu phức tạp về biểu bảng, môn Sử cũng rất “khó nhằn” bởi các cột mốc sự kiện, thời gian. Thế nên nhiều người cho rằng, chỉ những ai “đường cùng”, không học nổi bất kỳ khối nào mới phải học thuộc lòng 3 môn để thi khối C. Và mặc nhiên xã hội gán cho khối C là khối của những người kém thông minh, hoặc là khối của những con “mọt sách”. Những lý do nói trên đang khiến nhiều thí sinh quay lưng với khối C.

Lại nhớ hôm đi họp phụ huynh cho đứa cháu lớp 12, thấy cô giáo chủ nhiệm dạy môn Văn cứ buồn buồn. Khi phụ huynh bàn chuyện liên hoan cuối năm cho các cháu, cô xin phép không dự vì... bận. Gặng hỏi, cô mới bày tỏ hết nỗi niềm là học sinh bây giờ coi nhẹ môn Văn quá. Trong giờ học Văn mà có em lấy bài tập Toán, Lý ra để làm!

KHXH - nhân văn cung cấp cho con người những kiến thức xã hội cơ bản nhất và bồi đắp tâm hồn con người một cách thiết thực, sâu xa nhất và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. 30 năm đổi mới đất nước, KHXH đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo thực hiện từ Đại hội VI đến nay. Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của KHXH đã đóng góp thiết thực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thế nên, khi KHXH - nhân văn không được đặt đúng vị trí của nó thì cũng là lúc sự phát triển của xã hội bị ảnh hưởng. Đó là điều không chỉ những người làm giáo dục cần suy ngẫm.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108859

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu