Thứ 7, 20/04/2024 04:51:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:24, 17/04/2018 GMT+7

Không có bất bình đẳng giới ở Việt Nam

Thứ 3, 17/04/2018 | 08:24:00 875 lượt xem
BP - Bình đẳng giới luôn là mục tiêu phấn đấu của mọi quốc gia. Trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn chú trọng thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội. Bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nóng trong cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay.

Trước hết, lên án ở Việt Nam không có bình đẳng giới chính là các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động, trái ngược truyền thống văn hóa dân tộc - văn hóa thờ mẫu, coi trọng người phụ nữ trong xã hội xưa và nay. Thực tế ở nước ta, quyền của người phụ nữ luôn được ghi nhận và quy định rất rõ trong các bộ luật thời phong kiến. Điều 375, Quốc triều Hình luật thời Trần quy định: Khi người chồng chết thì tài sản được chia cho người vợ một phần để sử dụng suốt đời. Phụ nữ còn có vị trí tối cao trong xã hội (vua) như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Chiêu Hoàng.

Thứ hai, đây là âm mưu, thủ đoạn xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, dùng “nhân quyền” làm ngòi nổ. Chúng xuyên tạc bình đẳng giới, lớn tiếng đòi ta thực thi nữ quyền, phê phán Việt Nam “vi phạm nhân quyền” nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, tạo ra hình ảnh xấu xí của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Qua đó, chúng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế can thiệp để cải thiện tình hình nhân quyền, nữ quyền tại Việt Nam nhằm tạo ra tình trạng lộn xộn, mất tự chủ của Việt Nam, dần đẩy Việt Nam vào con đường khủng hoảng, sụp đổ.

Trong báo cáo “Triển vọng xã hội và việc làm của thế giới: Những xu hướng cho phụ nữ năm 2018 - khái quát” của Liên hiệp quốc cho biết, thu nhập trung bình của nữ giới thấp hơn nam giới tới 23%. Tỷ lệ này tại các nước Liên minh châu Âu khoảng 16%, thậm chí tại Đức và Anh tới 21% (theo Cơ quan thống kê Eurostat châu Âu,  ngày 7-3-2018). Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Mỹ lao động nữ được trả lương thấp hơn nam giới tới 20%, trong khi đó theo báo cáo về tiền lương thế giới và khu vực châu Á năm 2014-2015 của ILO thì con số đó ở Việt Nam chỉ 9,4%.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt việc đảm bảo bình đẳng giới. Cụ thể, chúng ta khuyến khích nữ giới tích cực tham gia các hoạt động chính trị, hoạt động xã hội. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26), tỷ lệ nữ nghị sĩ của Việt Nam hiện nay là 26,72%, cao hơn trung bình chung của thế giới (22,3%), trong khi tỷ lệ đó của châu Á là 19,7%. Hiện nay, Bộ Chính trị có 3 thành viên nữ. Đặc biệt, đây là nhiệm kỳ đầu tiên chúng ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Nữ giới tham gia lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó có các vị trí chủ chốt như Phó chủ tịch nước, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, An Giang và Lạng Sơn.

Nữ giới tham gia các hoạt động khoa học, giáo dục, làm kinh tế đạt nhiều thành tích, thậm chí vượt qua nam giới. Theo thống kê của Hội đồng chức danh nhà nước, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam hiện nay khá cao, đạt 16,5%, trong đó có rất nhiều nhà khoa học nữ nổi danh như PGS. TS bác sĩ Trần Vân Khánh - Đại học Y Hà Nội, PGS. TS Đinh Thị Bích Lân - Đại học Huế. Các nhà quản lý kinh tế là nữ nổi tiếng thế giới như bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc điều hành của Vietjet, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk.

Chúng ta đã và đang quyết liệt thực hiện có hiệu quả việc vận động loại bỏ các hủ tục trong xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số như trọng nam khinh nữ, đa thê, sinh nhiều con... Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Việt Nam đã rất thành công trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là mục tiêu tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và mục tiêu nâng cao sức khỏe bà mẹ. UNICEF khẳng định, Việt Nam rất thành công trong việc nâng cao tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học, học sinh nữ bậc tiểu học đạt 48,2%, bậc THCS là 48,1% và THPT đạt 49,1%.

Cùng với đó, Bộ luật Lao động năm 2015 quy định, lao động nữ Việt Nam được nghỉ thai sản 6 tháng, đồng thời người chồng nếu đang đóng bảo hiểm xã hội cũng được nghỉ từ 5-14 ngày. Các số liệu nêu trên cao hơn so với một số nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore (4 tháng), Pháp (16 tuần), Đức (14 tuần). Thậm chí, ở một đất nước được coi là phát triển và văn minh như Nhật Bản, thì bình đẳng giới vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của Chính phủ.

Như vậy, bình đẳng giới đã và đang được thực hiện có hiệu quả tại Việt Nam. Lên án Việt Nam không có nữ quyền bằng thủ đoạn lan truyền các vụ việc nhỏ lẻ, bộc phát trên mạng xã hội chỉ là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động. Chúng ta phải tỉnh táo, cảnh giác khi tiếp nhận các nguồn thông tin để góp tiếng nói đập tan các luận điệu đó, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

 Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2759

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu