Thứ 6, 19/04/2024 19:08:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:43, 17/08/2018 GMT+7

Không còn là vấn đề y đức!

Thứ 6, 17/08/2018 | 08:43:00 150 lượt xem

BP - Gần đây, ngành y tế có những lùm xùm khiến dư luận phẫn nộ: Trục lợi bảo hiểm, nghi ngờ dùng kim tiêm chung khiến 42 người bị nhiễm HIV ở một vùng quê yên bình của tỉnh Phú Thọ,... và giờ lại đến đường dây làm giả bệnh án tâm thần cho đối tượng hình sự mà Công an Hà Nội vừa khám phá. Hành vi này không còn dừng ở phạm vi đạo đức nghề nghiệp với lời thề Hippocrates. Sự tham lam cộng với vô cảm đã biến thành tội phạm, dung túng cho cái ác có cơ hội nảy nở...

Theo thông tin của Công an Hà Nội, 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong đó 41 hồ sơ mang tên các đối tượng “giang hồ”. Mục đích “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần của những kẻ phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh sự điều tra, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng nguy hiểm hơn, với hồ sơ có thể gọi là “bùa hộ mệnh” thì các đối tượng phạm tội nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng sẽ được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Không ít kẻ buôn ma túy, giết người, hiếp dâm,... đã không phải trả giá vì tội ác chúng gây ra vì đã có “kim bài miễn tử” - giấy chứng nhận tâm thần giả và rồi chúng lại tiếp tục thực hiện tội ác tiếp theo. Đáng buồn là trong số người tiếp tay cho kẻ xấu lại có cả những bác sĩ - những người vốn được xã hội tôn vinh là “lương y như từ mẫu”, vì hám lợi sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ dữ, giúp những kẻ thủ ác dễ dàng thoát tội, gây nguy hiểm cho xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự mà còn gây rối loạn kỷ cương, phép nước.

Được biết, quy trình xét duyệt hồ sơ tâm thần vốn rất nghiêm ngặt và phải thông qua hội đồng. Vậy sao vẫn có kẽ hở để “con voi chui qua lỗ kim” (!?). Điều này còn cho thấy, đây là hành vi vi phạm có tổ chức, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những bác sĩ chân chính. Việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần không phải là vấn đề mới phát sinh nhưng các vụ giả mạo giấy tờ hiện gây chấn động vì số lượng chạy hồ sơ lớn, có hẳn “đường dây” thay vì lẻ tẻ như trước. Điển hình, năm 2013, Nguyễn Văn Vi được gọi là Vi “ngộ” ở Thanh Hóa, dù có hàng chục tội danh nhưng không bị xử lý mà ung dung sống ngoài vòng pháp luật và tiếp tục gây ra hàng loạt tội ác khác vì nhờ có giấy chứng nhận tâm thần giả. Cơ quan công an đã phải mất nhiều thời gian, công sức mới đủ chứng cứ bắt Vi đền tội. Hay Mông Thị Ngọc (1972) ở Hà Nội cũng đến bệnh viện điều trị bệnh tâm thần vào năm 2011 sau khi gây ra 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ lớn nhất lên đến 5 tỷ đồng. Và 3 năm sau, vụ việc mới có thể đưa ra xét xử với đủ chứng cứ gian dối tâm thần của Ngọc.

Ai cũng biết rằng, tội phạm sẽ không có cơ hội chạy tội nếu không có những bác sĩ vô lương tâm đứng đằng sau. Vì thế, dư luận đều mong muốn kẻ bán rẻ lương tri, tiếp tay cho cái ác, “tâm thần hóa tội phạm” cần phải bị trừng trị nghiêm khắc, nghiêm khắc hơn những kẻ giả tâm thần kia. Sau sự việc này, Bộ Y tế cần nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần tại các cơ sở y tế và trình độ chuyên môn, đạo đức của các nhân viên y tế thực hiện công việc này. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân, bảo vệ danh dự của những y, bác sĩ chân chính và tội phạm mới không còn được bao che, dung túng và cái ác không có đất sống.

An Nhiên

  • Từ khóa
108935

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu