Thứ 6, 19/04/2024 02:15:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:08, 04/02/2016 GMT+7

Không còn người nghèo để tặng quà

Thứ 5, 04/02/2016 | 10:08:00 118 lượt xem

BP - Những ngày này, cả nước nói chung, đặc biệt là Bình Phước nói riêng, cộng đồng, xã hội, các cấp lãnh đạo đảng, nhà nước... bên cạnh công việc thường kỳ, hầu hết đều dành “một góc” cả vật chất và tinh thần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, gia đình chính sách, những người yếu thế trong xã hội.

Tại sao lại nói “đặc biệt là Bình Phước”? Qua thông tin đại chúng, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều đoàn từ các tỉnh, thành trong khu vực đến tặng quà, chăm lo tết cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới ở Bình Phước. Và không chỉ những ngày tết, 12 tháng trong một năm cũng vậy. Tuần nào cũng có các đoàn từ thiện lớn, nhỏ ở khắp nơi đến Bình Phước giúp đỡ người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa... Ở chiều ngược lại, rất hiếm trường hợp doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ở Bình Phước đi tặng quà cho người nghèo tỉnh thành khác. Không phải người Bình Phước có tấm lòng không bằng các nơi khác. Mà bởi Bình Phước là tỉnh còn nghèo so với mặt bằng chung của cả nước, là tỉnh nghèo nhất Đông Nam bộ. Không chỉ người dân còn nghèo mà cả doanh nghiệp Bình Phước cũng “nghèo” so với doanh nghiệp ở nơi khác.

Lá lành đùm lá rách là truyền thống quý báu của người Việt Nam. Mỗi khi tết đến xuân về, sẻ chia tình cảm, san bớt vật chất của bản thân để giúp đỡ cộng đồng cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Sự nhân văn ấy đã “ngấm” vào cả hoạt động ở công sở, tổ chức đảng và nhà nước. Vì thế, cuối năm lãnh đạo đảng và nhà nước các cấp cũng rất quan tâm đến đời sống, đến “cái tết” của nhân dân... Vẻ đẹp trong những hành động ấy có lẽ không ai phủ nhận được.

Nhưng để vẻ đẹp đó không chỉ là hình thức, là sự sáo rỗng, cần có một thứ giá trị hơn cả món quà được trao qua giữa những bàn tay đầy đặn và những bàn tay gầy guộc, chai sạn nắng gió. Đó là tấm lòng và sự chân thật hướng đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Tấm lòng ấy không chỉ biểu hiện bằng lời lẽ ngọt ngào, ấm áp mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể, đặc biệt là ở những người lãnh đạo. Bởi lẽ, nói một ngàn lời vỗ về, nhưng không có một quyết định, một chính sách hướng đến người nghèo thì những lời nói đó chỉ là “lời nói gió bay”. Có tặng mỗi gia đình nghèo 10 phần quà tết cũng không thể giúp họ thoát nghèo, chứ chưa nói tới vươn lên khá giàu. Ấy là chưa nói tới có trường hợp “trục lợi” từ người nghèo, xem người nghèo như một “giải pháp” để đạt được mục đích cá nhân nào đó, hoặc xem người nghèo như một bức “bình phong” để che giấu hàng hóa kém chất lượng, những hoạt động ngấm ngầm, thậm chí phạm pháp của doanh nghiệp làm ăn bất chính, kẻ buôn gian bán lận, quan chức tham ô, tham nhũng...

Không ai muốn trở thành người nghèo để được tặng quà tết. Không dòng họ, xóm ngõ, xã phường, huyện thị, tỉnh thành nào muốn được tặng nhiều quà tết như vậy. Và để không còn là “trường hợp đặc biệt” rồi được tặng quà, trước hết mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải chủ động tìm giải pháp cho bản thân. Mỗi xã phường, huyện thị, tỉnh thành - giữ vai trò chủ chốt là những nhà lãnh đạo - cần có lương tâm và trách nhiệm xây dựng, thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân cho “bằng bạn bè” trong vùng, trong cả nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Không còn người nghèo để tặng quà - không nhà lãnh đạo nào “ảo tưởng” trả lời về địa phương của mình như vậy nhưng ai có đủ bản lĩnh đặt ra mục tiêu đó để rồi ngày một tiệm cận nó?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu