Thứ 7, 27/04/2024 01:05:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:33, 06/03/2018 GMT+7

Không để nhân danh lễ hội hoạt động mê tín, dị đoan

Thứ 3, 06/03/2018 | 09:33:00 208 lượt xem
BP - Những ngày qua, việc hàng trăm người dân tụ tập ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình sì sụp cúng bái trước ngôi mộ hoang đã thu hút sự hiếu kỳ của người dân địa phương cùng cư dân mạng.

Sự việc bắt đầu từ ngày 24-2 (mồng 9 tháng giêng), khi người dân phát hiện 2 con rắn xuất hiện ở ngôi mộ mà bà con ở đây gọi là mộ Mệ ăn xin, nằm ở cánh đồng thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn và có từ thời Pháp thuộc. Khi thấy 2 con rắn quanh quẩn trên ngôi mộ mà không chịu rời đi, một số người cho đây là rắn thần và Mệ ăn xin hiển linh nên mang hương, hoa, trái cây ra cúng bái. Khi thông tin được chia sẻ trên mạng thì càng nhiều người tìm đến. Thậm chí, nhiều người còn mang tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành ra dâng cúng với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Từ xưa tới nay, việc người dân hiếu kỳ trước những hiện tượng lạ như buồng chuối hàng trăm nải, con cua có gộp hình mặt người, con heo có vòi hay con bò 6 chân... không là chuyện lạ. Thế nhưng việc người lớn, trẻ nhỏ, cả những trung niên chững chạc trong bộ đồ công chức cũng sì sụp khấn vái trước cặp rắn trên ngôi mộ hoang ở Quảng Bình lại khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ dân chúng hiện nay.

Ngày xưa, khi đời sống còn lạc hậu, nhận thức còn thấp kém vì thiếu tri thức khoa học, nhiều người “mặc định” về sự tồn tại của thế giới thần linh, ma quỷ, “cõi âm”. Thế nhưng đã vào thời đại công nghiệp 4.0, khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể với sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật thì số người mê tín dị đoan, sính cúng bái ngày càng nhiều. Và không chỉ những người gặp hoạn nạn, khó khăn, bất hạnh mới tìm đến sự “che chở” của thế lực siêu nhiên mà nhiều quan chức, “đại gia” rất mê tín, chăm đi đình chùa khấn vái và mời thầy trấn yểm đủ kiểu. Những chuyện bi hài như người dân tụ tập cúng vái con cá, con rắn, thậm chí là cục đá, gốc cây... hay chuyện thủ trưởng tìm cách để cấp dưới phải xin chuyển công tác vì “không hợp tuổi” cho thấy sự mê muội về tâm linh trong một bộ phận cán bộ, người dân ngày càng nặng nề. Vào các dịp lễ, hội sau tết Nguyên đán, tại các cơ sở thờ tự tâm linh, nhất là những đền, chùa có tiếng linh thiêng, cảnh tượng khách thập phương đội lễ chen chúc nhau lễ bái lại tràn ngập. Tình trạng tranh cướp ấn ở Đền Trần (Nam Định); cướp hoa tre ở lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), hay cảnh chen nhau nhúng tiền vào máu lợn tại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh để cầu may... rồi tình trạng “hối lộ” thánh thần, nhét tiền vào tay tượng Phật, đốt vàng mã nghi ngút mà báo chí phản ánh thời gian qua khiến những người làm công tác văn hóa không thể thờ ơ được nữa.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là có biểu hiện mê tín, dị đoan. Và ngày 21-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó yêu cầu cán bộ, công - viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn tổ chức đi lễ hội và biến tướng bằng việc thuê xe đi “học tập kinh nghiệm” chứ không dùng xe công vụ. Vì thế, đi liền với tăng cường quản lý các lễ hội thì cần phải kiểm soát chặt và có chế tài đối với những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm; đồng thời ngăn ngừa hiệu quả việc nhân danh lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu