Thứ 3, 16/04/2024 18:01:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:26, 09/05/2019 GMT+7

Không lơ là, mất cảnh giác

Thứ 5, 09/05/2019 | 09:26:00 1,127 lượt xem
BP - Lâu nay, khi nói đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chúng ta thường liên tưởng đến lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống mà ít ai nghĩ tới lĩnh vực kinh tế. Bởi mọi người đều cho rằng trên lĩnh vực kinh tế thì không có gì để có thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, vì trong thực tế, các thế lực thù địch từ lâu đã lợi dụng vấn đề kinh tế để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Vậy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế biểu hiện là gì? Trước hết, nó được biểu hiện bằng việc thiếu tin tưởng vào đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề cao kinh tế tư nhân, xem nhẹ, hạ thấp vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Họ hoang mang, dao động, thiếu niềm tin vào chủ trương, đường lối, quyết sách kinh tế của Đảng, nghi ngờ vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế của Nhà nước và Chính phủ. Từ đó, họ vô tình hay hữu ý ngờ vực vào năng lực của đội ngũ chuyên gia kinh tế, của những nhà lãnh đạo đất nước. Họ cho rằng, chỉ có chuyên gia kinh tế tư bản mới là những nhà hoạch định, quản lý, điều hành nền kinh tế hiệu quả và trơn tru hơn tất thảy. Họ thường rơi vào chủ nghĩa tôn sùng cá nhân, thần tượng hóa các nhà tài phiệt tư bản phương Tây, coi đó là mẫu hình lý tưởng để học tập và noi theo.

Từ những nhận thức không đúng đắn, một bộ phận trong xã hội muốn từ bỏ định hướng XHCN của nền kinh tế và vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, mong muốn thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng tư bản chủ nghĩa (TBCN). Họ cho rằng, trên thế giới từ khi có sở hữu cá nhân đến nay, chỉ có kinh tế thị trường, làm gì có kinh tế thị trường định hướng XHCN. Họ còn lập luận: kinh tế thị trường là của tư bản, là kinh tế tư bản, tự do cạnh tranh, cá lớn nuốt cá bé, còn kinh tế XHCN là kinh tế kế hoạch, có sự nhúng tay quản lý chặt chẽ của nhà nước... Vì vậy, nói kinh tế thị trường định hướng XHCN là cách nói “mị dân”, “đánh lừa dư luận”. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự mâu thuẫn không thể dung hòa giữa hai ý thức hệ, không thể nào có kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoặc giả là có thì kinh tế thị trường định hướng XHCN là một “quái thai”, không sớm thì muộn cũng sẽ lụi tàn.

Một biểu hiện nữa trong “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở lĩnh vực kinh tế là ra sức xuyên tạc, bịa đặt, đả kích, đòi thay đổi chủ trương, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước theo hướng TBCN. Theo họ, Đảng và Nhà nước ta phải thay đổi hoàn toàn từ tư duy cho đến đường hướng, chính sách phát triển kinh tế, tức là từ bỏ định hướng phát triển kinh tế XHCN mà phải đi theo con đường TBCN. Họ cho rằng, như thế mới khắc phục được sự mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường với định hướng XHCN. Một trong những biểu hiện đặc trưng là hô hào, kêu gọi Đảng, Nhà nước triệt để thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Theo họ, Đảng, Nhà nước ta chỉ nên dừng lại ở việc định ra chủ trương, đường lối, chính sách và điều phối chung mà không nên trực tiếp can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, còn việc kinh doanh như thế nào, hợp tác với ai, sử dụng lao động, nguồn vốn đầu tư ở đâu là chuyện nội bộ của từng doanh nghiệp. Hoặc họ cho rằng, chỉ có cổ phần hóa tuyệt đối, cổ phần hóa nhanh, mạnh mẽ, ngay lập tức toàn bộ các doanh nghiệp - tức là Nhà nước không còn nắm tỷ lệ phần trăm chi phối - thì doanh nghiệp mới có thể tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, từ đó mới có thể phát triển, mà doanh nghiệp phát triển tức là đất nước phát triển. Họ lập luận rằng, hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái quá nhiều, song lại làm ăn thua lỗ triền miên, đưa tới những khoản nợ khổng lồ cho ngân sách nhà nước và nhân dân. Tinh vi, xảo quyệt hơn, họ cho rằng, khi doanh nghiệp nhà nước làm ăn phát đạt thì lợi nhuận chỉ rơi vào túi các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì nhân dân phải gánh chịu. Nhưng họ đâu biết rằng, bất kỳ một quốc gia nào (không phân biệt TBCN hay XHCN) thì nhà nước đều phải nhúng tay vào những ngành kinh tế chủ lực bằng nhiều hình thức như: vốn, hoạch định phát triển, công cụ thuế, công cụ tiền tệ... Có như vậy, nền kinh tế vĩ mô mới đảm bảo sự cân bằng, không bị lũng đoạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Bước tiếp theo của họ là thực hiện các hành động cụ thể, có tổ chức và tính toán để phá hoại các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta. Họ cố tình không nhìn nhận những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang hiện hữu rõ trong thực tiễn xã hội hiện nay, mà trái lại còn một mực đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước về những khó khăn, tiêu cực trong phát triển kinh tế của đất nước. Họ quy tất cả tiêu cực, tham nhũng trong xã hội là do nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ra. Một mặt, họ tìm mọi cách để phá hoại hoặc ngăn cản các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta cả ở tầm vĩ mô và vi mô, hòng làm cho các chính sách, kế hoạch này không thể trở thành hiện thực. Bằng mọi cách, trong các quan hệ hợp tác chỉ đơn thuần kinh tế, họ đều cố gắng đưa vào đó những điều kiện ràng buộc về chính trị, văn hóa, xã hội. Hoặc lấy viện trợ không hoàn lại (ODA), đầu tư trực tiếp (FDI) để đổi lấy sự nhún nhường, thỏa hiệp của Đảng, Nhà nước ta về kinh tế, thậm chí là lợi ích quốc gia, dân tộc. Thâm hiểm hơn, bằng những hành động làm như rất vô tư, khách quan, họ cố gắng tư vấn, khuyến khích ta không nên đầu tư “tràn lan” mà nên có trọng tâm, trọng điểm, chỉ cần tập trung xây dựng một vài vùng kinh tế, một hai ngành kinh tế làm đầu tàu, như thế sẽ tập trung được nhân lực, vật lực, tài lực, nhanh chóng gặt hái thành công.

Tóm lại, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế không chỉ hiện hữu mà còn đã và đang đe dọa trực tiếp đến an nguy của đất nước, sự tồn vong của chế độ, vì suy cho cùng, kinh tế là nhân tố quyết định. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh không khoan nhượng nhằm đẩy lùi triệt để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị hiện nay. 

Nhất Huy

  • Từ khóa
2844

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu