Thứ 5, 25/04/2024 18:49:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:22, 21/12/2019 GMT+7

Không máy móc khi áp dụng luật vào cuộc sống!

Thứ 7, 21/12/2019 | 08:22:00 483 lượt xem
BP - Theo quy định mới trong Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), nhân viên bị người sử dụng lao động (thường gọi là sếp) ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc... có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngược đãi, đánh đập, bị quấy rối nơi công sở... thì nghỉ việc là đương nhiên, thậm chí phải yêu cầu xử lý hành chính hoặc hình sự. Nhưng có một số nhân viên cảm thấy lời sếp la mắng là xúc phạm, nhục mạ rồi tự nghỉ việc nên nghĩ xa hơn một chút. Bị sếp quở trách khi làm sai việc mà nâng quan điểm thành nhục mạ làm ảnh hưởng đến sức khỏe rồi đùng đùng xin nghỉ việc nên cân nhắc, càng không cứng nhắc cho rằng luật đã bảo vệ thì mình phải “thể hiện”. Từ đó tùy tiện hành xử để “bút sa gà chết”, ân hận vì sự nông nổi thì đã quá muộn.

Chẳng ai thích cảm giác bị sếp, hay người quản lý la mắng. Nhưng để công việc trôi chảy thì đôi khi, với một số người, chuyện bị sếp rầy la trở nên bình thường tại nơi làm việc, muốn tránh cũng không được. Nhưng tự ái nghỉ việc thì thật uổng phí cho tiền đồ của người đó cũng như ý tốt của sếp. Nhất là với nhân viên có trình độ nhưng còn thiếu kinh nghiệm, thiếu cọ xát thực tế. Nhân viên cũng đừng nghĩ rằng, luật có hiệu lực thì sếp phải điều chỉnh hành vi nếu không sếp... sẽ mất nhân viên!

Tục ngữ có câu “Cả giận mất khôn”, hầu như trong số chúng ta khi bị sếp mắng đều có xu hướng không giữ được bình tĩnh, tức giận, trong đầu xuất hiện ý nghĩ muốn nghỉ việc cho xong. Nhưng nên nghĩ thoáng ra rằng, đã làm việc thì môi trường nào cũng sẽ có xung đột quan điểm. Bị sếp mắng không phải hiếm gặp, thậm chí nên hiểu, vì sếp muốn ta hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, thay vì suy nghĩ tiêu cực hay nóng giận, hãy cố gắng giữ bình tĩnh lắng nghe những gì người quản lý nói, sẵn sàng tiếp thu tìm ra nguồn gốc vấn đề và cách giải quyết hợp tình, hợp lý, không nóng vội xin nghỉ việc mà “xôi hỏng bỏng không”.

Hầu hết người ngoài cuộc đều nhận ra việc tức giận hay tự ái rồi nghỉ việc rất trẻ con và thua thiệt về bản thân nhân viên chứ không phải sếp. Còn “chìa khóa” giúp người trong cuộc giải quyết vấn đề này nằm ở chỗ phải biết bình tĩnh, mềm mỏng và khéo léo, dám thừa nhận lỗi sai về mình để tìm cách khắc phục. Còn tự ái, nóng giận rồi xin nghỉ việc thì chỉ “lợi bất cập hại”. Phải nhìn theo hướng tích cực, sếp mắng chỉ là muốn tốt cho nhân viên, muốn nhân viên không phạm phải những sai lầm tương tự nữa. Đừng nên cố gắng đề cao cái tôi mà cố chấp không chịu thay đổi. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để loại bỏ trong đầu những suy nghĩ tiêu cực, xem lại những giải pháp mà sếp đưa ra để cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc.

Bắt đầu từ việc nhân viên biết thay đổi thì từ đó sếp mới có thể đánh giá và nhìn nhận nhân viên là người biết tiếp thu, lắng nghe và chịu khó học hỏi. Đừng để một phút thiếu suy nghĩ mà áp dụng luật một cách máy móc, cứng nhắc để sau đó cảm thấy hối hận bởi quyết định nông nổi và làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, tương lai của cuộc đời mình.

An Nhiên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu