Thứ 7, 20/04/2024 20:58:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 23/05/2018 GMT+7

Không phải là chuyện nhỏ!

Thứ 4, 23/05/2018 | 08:51:00 124 lượt xem

BP - Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố kết quả công trình nghiên cứu về “Hiệu quả hệ thống y tế”. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 160/191 quốc gia được đánh giá và xếp hạng. Số liệu khảo sát được báo cáo tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”, do Bộ Y tế tổ chức ngày 18-5-2018 cho thấy, có đến gần 20% nhà vệ sinh bệnh viện bẩn, hôi, nước đọng sàn nhà, không xà bông rửa tay... Trong đó, đáng chú ý là: chỉ số khảo sát về nhà vệ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều đạt rất thấp. Kết luận vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện không đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn!”. Bởi lẽ, nhà vệ sinh bệnh viện không chỉ là cái nhà vệ sinh, mà ở khía cạnh nào đó, nó còn là bộ mặt của bệnh viện, của ngành y tế.

Nhà vệ sinh trong bệnh viện là nơi phục vụ hàng trăm lượt người mỗi ngày, đồng thời nó đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Việc nhà vệ sinh trong bệnh viện “mất vệ sinh” không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh cho nhân viên y tế. Hiện nay, tình trạng quá tải bệnh viện khá phổ biến, trong khi nhiều nơi chưa đầu tư đúng mức cho khu vực vệ sinh, dẫn đến tình trạng thiếu nước, thiếu giấy vệ sinh, thiếu người lau dọn... diễn ra ở không ít bệnh viện. Cùng với quá tải bệnh viện là ý thức vệ sinh chung rất kém của không ít bệnh nhân và người nhà, khiến nhà vệ sinh bệnh viện luôn trở thành nỗi ám ảnh cho những ai đến đây.

Từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện”, trong đó có tiêu chí nêu rõ người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ với đầy đủ phương tiện và các quy định kèm theo từng mức đánh giá chất lượng bệnh viện theo chất lượng của nhà vệ sinh. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập về quản lý, sử dụng nhà vệ sinh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới. Theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế thế giới tại các bệnh viện thì ít nhất 20 người có 1 nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh phải bố trí thiết bị hỗ trợ riêng cho người tàn tật và có bệ xí dành cho trẻ em tại khoa nhi. Nhà vệ sinh phải bố trí nam riêng, nữ riêng. Diện tích trung bình của nhà vệ sinh quy định 9-12m2. Nhà vệ sinh cho cán bộ, nhân viên y tế cần được bố trí riêng với người bệnh. Ở nước ta, theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện vẫn có tới 21% người bệnh không hài lòng về chất lượng bệnh viện, trong đó chủ yếu là do nhà vệ sinh “bốc mùi”.

Phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chính ngành y tế hướng dẫn điều này. Nhưng ở bệnh viện, nơi vi khuẩn phát tán mạnh hơn so với ở nhà thì không phải lúc nào mọi người cũng có điều kiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Các bệnh viện ở nước ta chỉ bố trí nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân (tính trên giường bệnh), mà chưa tính đến trường hợp bệnh viện quá tải và khu vực vệ sinh phục vụ người nhà bệnh nhân. Chính vì vậy, việc cải thiện hình ảnh của nhà vệ sinh thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo các bệnh viện. Đây cũng là một trong những nỗ lực không thể thiếu nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới thái độ phục vụ của ngành y tế với người bệnh. Vì thế, chuyện về nhà vệ sinh trong các cơ sở y tế không hề là chuyện nhỏ!

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu