Thứ 6, 19/04/2024 16:23:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:08, 10/01/2019 GMT+7

Không thay đổi được lịch sử!

Thứ 5, 10/01/2019 | 09:08:00 1,706 lượt xem
BP - 40 năm trước, ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh của nước bạn Campuchia hoàn toàn giải phóng. Đó là nhờ những người lính tình nguyện Việt Nam đã không tiếc máu xương, sát cánh cùng quân và dân Campuchia tiêu diệt chế độ độc tài Khơme Đỏ. Và khi đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, Chính phủ Việt Nam, những người lính Việt Nam lại tiếp tục giúp bạn phục hồi kinh tế sau cuộc chiến.

Những ngày này, không chỉ Chính phủ, quân đội và nhân dân Campuchia tưng bừng kỷ niệm 40 năm thoát khỏi ách diệt chủng của chế độ độc tài Khơme Đỏ mà Chính phủ Việt Nam cũng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm cấp nhà nước 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khơme Đỏ (7-1-1979 - 7-1-2019). Các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Điều đó càng thể hiện rõ tình cảm, mối quan hệ gắn bó thiêng liêng giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia không chỉ “núi liền núi, sông liền sông” mà còn là sự sẻ chia thương đau của quốc gia, dân tộc.

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2019, Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia phối hợp Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia và chính quyền địa phương trang trọng tổ chức lễ khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Mundulkiri. Đây là công trình thứ 13 hoàn thành trong dự án trùng tu, tôn tạo, xây dựng 17 Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia trên đất nước Chùa Tháp. Trước đó, đã có rất nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội minh chứng cho tình hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc. Tháng 4 năm ngoái, công trình cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền 2 tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia), với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng. Và mới chỉ tuần trước, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp nhà nước 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Rồi từng tỉnh, từng huyện giáp biên giới 2 nước đều có các công trình, dự án hỗ trợ, giúp bạn cùng phát triển.

Là tỉnh phía Nam có đường biên giới dài nhất, tiếp giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia với 260,433km, cũng là địa phương phải trực tiếp gánh chịu nhiều thương đau do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary gây ra cho người dân vùng biên giới, những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân Bình Phước đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các tỉnh giáp biên của bạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh trật tự tuyến biên giới. Việc bảo vệ an ninh biên giới không đơn thuần là tăng cường kiểm soát an ninh mà còn được thể hiện trên nhiều phương diện như dự án phát triển kinh tế với các tỉnh giáp biên của Campuchia; tăng cường ngoại giao chính quyền, ngoại giao nhân dân; hỗ trợ nước bạn phát triển hạ tầng, hỗ trợ giáo dục, y tế... Những năm gần đây, sự hiện diện của các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trên đất Campuchia cho thấy, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia đang được viết tiếp bằng những chương mới, thiết thực hơn. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa Bình Phước với các tỉnh Đông Bắc Campuchia nói riêng không ngừng phát triển. Hiện 5 công ty đứng chân trên địa bàn Bình Phước đã thực hiện dự án hợp tác phát triển cao su. Thành quả bước đầu từ những dự án phát triển kinh tế mà Bình Phước cùng nhiều địa phương khác phối hợp với nước bạn Campuchia là hiện thực sinh động, mở ra một giai đoạn phát triển mới, là cơ sở để người anh em chung chiến hào đánh đổ chế độ diệt chủng Khơme Đỏ năm xưa kề vai, sát cánh cùng nhau phát triển kinh tế và vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp, lâu dài giữa 2 dân tộc.           

Không chỉ hợp tác kinh tế, hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh luôn được 2 bên quan tâm thực hiện, năm 2017, Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ Tiểu khu Quân sự tỉnh Kompongthom 1,3 tỷ đồng xây dựng doanh trại; giúp Tiểu khu Quân sự tỉnh Kratie 400 triệu đồng xây dựng phòng học tập chính trị và hỗ trợ 3 tỷ đồng cho tỉnh Kratie xây dựng cầu Chiu Riu. Mới đây, Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ Tiểu đoàn 204, Tiểu khu quân sự và Ty Công an tỉnh Kratie, mỗi đơn vị một hệ thống lọc nước sinh hoạt trị giá 200 triệu đồng... Phía bạn đã hỗ trợ đắc lực Bình Phước trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước. Từ năm 2001-2017 đã cất bốc, hồi hương 1.044 hài cốt liệt sĩ. Riêng giai đoạn mùa khô 2017-2018 đã cất bốc 35 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về nước. Kết quả tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ có sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của bạn.

Và 21-6-2017 được coi là một ngày đáng nhớ không chỉ với cán bộ, nhân dân Bình Phước khi Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen đã thăm lại nơi đầu tiên của 40 năm trước, khi ông rời khỏi đất nước Campuchia ra đi tìm đường cứu nước. Đó là một ngôi miếu thuộc địa bàn ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh). Khu vực chứng kiến sự kiện lịch sử này, giờ là Nhà văn hóa xã Lộc Thạnh - nơi trưng bày các hình ảnh về tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia, về quá trình cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Trong khuôn viên Nhà văn hóa Lộc Thạnh, Thủ tướng Hun Sen đã trồng một cây gõ đỏ và đặt tên là “Cây đoàn kết Việt Nam - Campuchia”. Tất cả điều đó cho thấy, mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng với Chính phủ Campuchia ngày càng bền chặt, sâu sắc.

Thế nhưng các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức FULRO lưu vong vẫn điên cuồng tổ chức các hoạt động phá hoại tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Chúng lôi kéo, kích động người dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và Bình Phước trốn sang Campuchia. Những năm trước, một số người dân tộc S’tiêng ở Bù Đăng sau khi bị dụ dỗ sang Campuchia nhưng không đáp ứng như lời hứa đã trở về và tố cáo âm mưu, thủ đoạn của chúng. Ngay tại Campuchia cũng từng diễn ra một vài cuộc biểu tình của những đối tượng cố tình chia rẽ tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia; thậm chí chúng còn đòi “cắt quan hệ với Việt Nam”. Cho dù từ lâu 2 nước Việt Nam - Campuchia luôn sát cánh cùng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích của mỗi dân tộc, song do được hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài, những đối tượng cơ hội chính trị vẫn lén lút thực hiện các hoạt động phá hoại tình đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân 2 nước, phục vụ mục đích chính trị đen tối của chúng.

Kết thúc bài viết này, tôi muốn trích lại nguyên văn lời Thủ tướng Hun Sen - như một chân lý trong lần ông trở lại nơi đặt chân đầu tiên lên đất Việt Nam trong hành trình cứu nước: “Ai nói gì cứ nói nhưng không thể thay đổi được lịch sử, rằng nhờ có Việt Nam chúng tôi mới xây dựng được lực lượng vũ trang, mới giải phóng được dân tộc”. 

Thảo Linh

  • Từ khóa
2826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu