Thứ 6, 26/04/2024 07:20:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:28, 17/07/2018 GMT+7

Không thể bó tay!?

Thứ 3, 17/07/2018 | 08:28:00 89 lượt xem

BP - Gần 1.000 tỷ đồng - con số chính xác là 994 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu - đó là tít bài đăng trên Báo Bình Phước, cũng là nội dung giải trình chính của Cục trưởng Cục Thuế Trần Văn Hướng tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh vừa diễn ra tuần qua. Nếu theo dõi thông tin trên báo chí thì sẽ thấy tình trạng nợ thuế đang diễn ra ở khắp các tỉnh, thành chứ không riêng Bình Phước. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31-5-2018, tổng số thuế nợ của cả nước là 83.540 tỷ đồng - con số nợ thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, những khoản nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 50.808 tỷ đồng, chiếm 60,8% tổng số tiền nợ thuế.

Có một nghịch lý là kinh tế ngày càng phát triển, mà nhóm phát triển nhanh nhất là doanh nghiệp tư nhân nhưng nợ thuế vẫn của khối doanh nghiệp này không ngừng tăng trong những năm gần đây. Quý 1/2018, GDP của cả nước tăng 7,38%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Doanh nghiệp mới thành lập tăng 1,2% về số lượng và tăng 2,7% về vốn đăng ký; thu hút đầu tư nước ngoài tăng 7,2% về vốn so với cùng kỳ; thị trường bất động sản khởi sắc, thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng... Tại Bình Phước, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,64%; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 6,3% so cùng kỳ. Thế nhưng, nợ thuế không những không giảm mà còn tăng lên từng tháng. Cụ thể, tháng 1-2018, nợ thuế cả nước tăng 12,8% so với tháng 12-2017; tháng 2 tăng 13,3%; tháng 3 tăng 17,4%. Và lũy kế đến ngày 30-4-2018, tổng số tiền thuế nợ của 63 cục thuế tỉnh, thành phố đã tăng 26,1% so với thời điểm 31-12-2017. Tỷ lệ tổng nợ trên tổng dự toán thu nội địa ở mức 9,4%, cao hơn nhiều so với mức chỉ tiêu 3,4% Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, nhóm nợ không có khả năng thu hồi là hơn 32.700 tỷ đồng. Số nợ này chiếm tới 9,2% tổng số tiền thuế nợ. Còn tại Bình Phước, tính đến ngày 30-6, tổng số tiền nợ thuế toàn tỉnh là 1.285 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu 994 tỷ đồng, chiếm 78% tổng nợ.

Từ các diễn đàn của Quốc hội, của ngành thuế đến diễn đàn của HĐND các tỉnh, thành trong cả nước, ở đâu cũng đề cập đến nợ thuế. Thậm chí vài năm trước, trên Báo Công Thương có một “tít” bài rất ấn tượng: Khắp nơi nợ thuế. Đọc cái “tít” này, người viết chợt nhớ một thời người người mong tới chủ nhật để được nghe chương trình “Khắp nơi ca hát”. Thời bao cấp đói kém, thế nhưng được nghe ca hát ai cũng thấy bừng bừng khí thế. Vậy mà đến thời kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước thì lại “khắp nơi nợ thuế”, buồn thay!

Ở các diễn đàn, người ta nêu lên rất nhiều lý do dẫn đến nợ thuế như: Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể hoặc ngưng nghỉ kinh doanh; vay nợ ngân hàng lớn, dẫn đến không có khả năng nộp thuế hoặc “giả chết” để trốn thuế... Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân khác như doanh nghiệp “chết” nhưng chưa “báo tử” nên cán bộ thuế cứ chiểu theo “sổ đinh”, vẫn kê phải nộp thuế? Và cũng không loại trừ việc tận thu quá mức mà chưa quan tâm đúng mức đến nuôi dưỡng nguồn thu...

Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tùy vào số tiền trốn thuế mà doanh nghiệp bị xử lý hành chính hoặc hình sự... Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cơ quan thuế đã công khai danh tính các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn - một việc làm gây ảnh hưởng rất xấu cho doanh nghiệp. Và tại Bình Phước, ngành thuế cũng đã tham mưu việc “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng “cục nợ” thuế vẫn tăng. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, đã đến lúc không thể bó tay trước tình trạng nợ thuế đầm đìa như thế!?

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu