Thứ 6, 19/04/2024 14:48:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:18, 11/11/2016 GMT+7

Không thể chủ quan với vi rút zika

Thứ 6, 11/11/2016 | 07:18:00 157 lượt xem

BP - Tính đến nay, 7 tỉnh, thành phố ở nước ta đã phát hiện có người nhiễm vi rút zika. Vì vậy, công tác phòng chống loại vi rút này lan rộng là hết sức cấp bách. Tại Bình Phước, do đang lưu hành loại muỗi sốt xuất huyết (cùng chủng muỗi lan truyền vi rút zika) và sự đi lại, giao lưu với các vùng có dịch nên Sở Y tế nhận định khả năng xuất hiện bệnh do vi rút zika hoàn toàn có thể xảy ra trên địa bàn trong thời gian tới. Phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế về những vấn đề liên quan.

Nhân viên Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài phun thuốc diệt muỗi tại xóm 2, ấp 1B, xã Tiến ThànhNhân viên Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài phun thuốc diệt muỗi tại xóm 2, ấp 1B, xã Tiến Thành

P.V: Xin ông cho biết tính chất cũng như cơ chế lây lan của bệnh do nhiễm vi rút zika?

BS Quách Ái Đức: Tính đến ngày 6-10-2016 có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút zika. Ngày 5-4-2016, ngành y tế Việt Nam chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về việc xác nhận 2 trường hợp nhiễm vi rút zika. Tính đến ngày 5-11-2016, ngành đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút zika. Đáng nói là tỉnh Bình Dương - địa phương liền kề với Bình Phước, hiện đã có 2 trường hợp nhiễm và tỉnh này đã công bố dịch cấp xã, phường. Tỉnh Đắk Lắk cách không xa Bình Phước cũng đã có 2 trường hợp nhiễm vi rút zika. Số lượng nhiễm zika tại TP. Hồ Chí Minh tăng nhanh trong thời gian qua, ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tại đây. Trong quá trình giám sát, các bệnh nhân nhiễm zika hầu hết có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả trường hợp đều đến bệnh viện khám. Riêng tại Bình Phước chưa phát hiện ca nhiễm zika, nhưng không vì thế mà chủ quan.

 Bệnh do virút zika gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể gây thành dịch. Vi rút zika lây truyền sang người chủ yếu qua vết cắn của loài muỗi Aedes bị nhiễm bệnh (Ae. aegypti và Ae. albopictus). Vi rút zika cũng có thể lây qua đường tình dục; có thể lây từ mẹ sang con trong mang thai hoặc trong quá trình sinh nở và khi truyền máu (có khả năng nhưng chưa được xác nhận).

P.V: Vì sao vi rút zika lại gây nguy hiểm, thưa ông?

BS Quách Ái Đức: Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Nhiễm vi rút zika trong thời gian mang thai có thể là nguyên nhân làm cho thai nhi bị dị tật bẩm sinh ở não, được gọi là chứng đầu nhỏ. Các vấn đề khác đã được phát hiện ở thai nhi và trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút zika trước khi sinh, chẳng hạn như các khuyết tật ở mắt, thính giác và suy giảm phát triển. Hiện nay có nhiều báo cáo về hội chứng Guillain-Barré, bệnh không phổ biến về hệ thần kinh tại các vùng bị ảnh hưởng của vi rút zika. Chẩn đoán sớm các tật đầu nhỏ bằng siêu âm thai nhi. Siêu âm có khả năng chẩn đoán tốt nhất nếu được thực hiện vào cuối tam cá nguyệt thứ hai, khoảng 28 tuần hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ.

P.V: Xin ông cho biết những biểu hiện đặc thù và cần làm gì nếu nhiễm vi rút zika?

BS Quách Ái Đức: Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, khó phát hiện vì từ 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Trường hợp nghi ngờ khi có biểu hiện sốt, phát ban, kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện sau: Viêm kết mạc mắt; đau khớp, đau cơ, đau đầu; có tiền sử ở/đi/đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh do vi rút zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát. Người bệnh cần xét nghiệm bằng phương pháp sinh học phân tử, phân lập vi rút hoặc huyết thanh học để xem xét có nhiễm vi rút zika hay không. Bệnh do nhiễm vi rút zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị bằng cách: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước để tránh mất nước; dùng thuốc như acetaminophen giảm sốt và đau; không dùng aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không chứa steroid khác; nếu đang dùng thuốc để chữa bệnh khác, hãy thông báo cho các y, bác sĩ đang điều trị trực tiếp trước khi dùng thêm thuốc khác.

P.V: Xin ông cho biết các giải pháp phòng bệnh do nhiễm vi rút zika?

BS Quách Ái Đức: Ngành y tế đã triển khai việc tăng cường giám sát dịch bệnh và các hoạt động kiểm soát véc-tơ; truyền thông nguy cơ và cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống, kiểm soát vi rút zika và các bệnh do muỗi khác; thực hiện các biện pháp theo dõi tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai và phát hiện các biến chứng của thai nhi có thể lây nhiễm vi rút zika; hỗ trợ các cơ sở y tế, bao gồm cả các đơn vị sản khoa và nhi khoa chuẩn bị ứng phó tốt trong trường hợp bệnh và dịch bệnh gia tăng; chuẩn bị nguồn lực thích hợp cho các hoạt động phòng, chống vi rút zika.

Cách tốt nhất để phòng bệnh lây lan là tự bảo vệ bản thân và gia đình không bị muỗi đốt. Có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như mặc quần dài và áo dài tay; kiểm soát muỗi bên trong và bên ngoài nhà; xử lý quần áo và đồ dùng bằng permethrin hoặc mua các mặt hàng đã được xử lý trước; sử dụng thuốc chống côn trùng (EPA), khi được sử dụng theo chỉ dẫn, thuốc chống côn trùng này được kiểm chứng là an toàn và hiệu quả với cả phụ nữ đang mang thai và cho con bú sữa mẹ. Phòng tránh lây truyền vi rút zika qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su hoặc không quan hệ tình dục với các đối tượng nguy cơ. Đàn ông và phụ nữ trở về từ những nơi có lan truyền vi rút zika nên áp dụng tình dục an toàn hoặc không quan hệ tình dục ít nhất 4 tuần sau khi trở về. Không sử dụng thuốc chống côn trùng với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng; không sử dụng các sản phẩm có chứa dầu bạch đàn chanh hoặc dầu paramenthane-diol cho trẻ dưới 3 tuổi.

Xin cảm ơn ông!

Tuyết Ly (thực hiện)

  • Từ khóa
58150

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu