Thứ 6, 26/04/2024 00:18:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:44, 09/12/2016 GMT+7

Không thể cứ chờ vào sự nhiệt tình của các CTV dân số!

Thứ 6, 09/12/2016 | 08:44:00 96 lượt xem

>> CTV dân số mỏi mòn chờ phụ cấp

BP - Báo Bình Phước số 533, thứ tư ngày 16-11-2016 có đăng bài “CTV dân số mỏi mòn chờ phụ cấp”. Bài báo cho biết phụ cấp của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh là 150 ngàn đồng/người/tháng, trong đó 100 ngàn đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia và 50 ngàn đồng ngân sách địa phương hỗ trợ. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, các CTV dân số chưa nhận được phụ cấp.

Và dù không có phụ cấp nhưng các CTV dân số vẫn làm việc, tuy không còn giữ được lửa nhiệt tình như trước. Chia sẻ với khó khăn của các CTV, nhiều cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cấp xã, phường đã phải bỏ tiền cá nhân ứng trước để CTV dân số mượn khi thiếu tiền xăng xe rồi trừ vào phụ cấp khi nào có. Thậm chí, có trường hợp như chị Bùi Thị Hoàng, chuyên trách dân số xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã dùng tiền cá nhân hỗ trợ ứng trước 2,4 triệu đồng cho 2 ca triệt sản vì sợ nếu không hỗ trợ kịp thời thì sau này khó vận động người dân vùng sâu, vùng xa triệt sản.

Từ trước tới nay, ai cũng biết CTV dân số là những người trực tiếp tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ; đưa các hoạt động truyền thông dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản tới người dân; giúp thu thập, cập nhật số liệu dân số kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Vào mỗi đợt truyền thông, CTV phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Và muốn tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi CTV dân số phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 1.658 CTV dân số. Địa bàn tỉnh có nhiều khu dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn nên CTV dân số rất vất vả trong việc tuyên truyền chính sách dân số. Có trường hợp phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, thuyết phục người dân. Công việc của CTV dân số, nếu làm hết trách nhiệm thì không hề nhẹ nhàng. Họ thực sự là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thực tế là việc đạt được các chỉ tiêu về dân số trong những năm qua của tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ này. Thế nhưng đã gần một năm, họ chưa nhận được phụ cấp. Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, nguyên nhân của việc chậm trễ phụ cấp là do năm nay kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về chậm, thời điểm này vẫn chưa có. Bên cạnh đó, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết HĐND tỉnh cũng đã kết thúc thời hạn 5 năm mà chưa có kế hoạch mới. Vì thế từ cuối tháng 10, chi cục đã báo cáo tình hình để UBND tỉnh có cách giải quyết nhưng hiện vẫn chưa có thông tin gì mới. Việc chậm trễ chi trả phụ cấp đã gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành, triển khai kế hoạch năm 2016 và gây tâm lý không tốt trong bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ. Hiện nhiều CTV do chán nản đã bỏ việc. Bác sĩ Long cũng cho biết đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại chất vấn của các cán bộ chuyên trách và CTV dân số nhưng cũng chỉ biết động viên và hứa hẹn “sẽ có” chứ không thể làm gì hơn.

Kết thúc bài viết này, người viết đồng tình với ý kiến của bác sĩ Bạch Sỹ Long là không thể cứ chờ đợi vào lòng nhiệt tình, sự hy sinh của các CTV dân số. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì khó duy trì được đội ngũ CTV. Từ đó, hoạt động tuyên truyền sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến các đề án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu